Dạy ngoại ngữ trong trường học: “Đầu tư thấp, khó có chất lượng cao”

(GD&ĐT) – HS Trường THPT Chuyên ngữ- ĐH Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội có truyền thống không học lệch mà học đều, tất cả các môn học. Chính vì thế, tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc cao. Đây là môi trường học tập lý tưởng, là niềm ao ước không chỉ của các em HS mà còn cả các bậc phụ huynh. Hiện nay, HS của trường ngoài việc được học chuyên theo các lớp ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung còn được chọn học thêm một ngoại ngữ thứ hai. Xoay quanh vấn đề mô hình trường chuyên ngữ, Hiệu trưởng Lê Thị Chính đã có cuộc trò chuyện với phóng viên của Báo GD&TĐ. 

PV: Với mô hình trường chuyên ngữ, theo bà nhà trường đã đột phá vào những khâu then chốt nào để xây dựng được thương hiệu như hiện nay? 

Hiệu trưởng Lê Thị Chính: Theo cá nhân tôi, thành tích đào tạo của nhà trường đã được ổn định qua nhiều năm. Tuy nhiên, thành công vượt trội của năm học vừa qua là nhờ nhà trường tổ chức được nhiều hoạt động cả nội khoá và ngoại khoá. Chúng tôi chuyển vai trò hoạt động sang cho HS, chú trọng tiêu chí truyền thống “học thật, thi thật, kết quả thật”. Cụ thể, các kỳ thi học kỳ được nhà trường tổ chức cực kỳ nghiêm túc, nhờ đó, bản thân HS được rèn luyện và có lựa chọn duy nhất là phải học thật tốt thì kết quả thi mới đạt điểm cao. Các thầy cô chấm điểm nghiêm túc và chặt chẽ. Việc làm này đã đánh giá đúng trình độ của HS toàn trường. Với đối tượng HS giỏi, nhiều thầy cô giáo của trường đã sử dụng phương pháp dạy gợi mở và hướng tới việc cho các em tự học. Như môn Văn học có nhiều đổi mới: GV trả tác phẩm về cho HS, lớp học chia theo nhóm, các em được chuẩn bị bài học, có minh hoạ, có tham luận và đưa ra các vấn đề cùng nhau tranh luận. GV chỉ là người hướng dẫn và tổng kết.Các môn học khác cũng triển khai thay đổi phương pháp dạy và học. Kết quả cho thấy HS tự tin hơn hẳn, hàng chục em cùng tham gia thuyết trình bằng trình chiếu. BGH đang cố gắng xây dựng kế hoạch phân loại, bài nào HS tự học, bài nào HS được học ở trên lớp. Phương pháp này sẽ sát với đối tượng HS, tránh cho các em cảm giác nhàm chán, nặng nề khi lên lớp. GD của Việt Nam là học ứng thí. Vì vậy, HS khối 10 của trường được GV hướng dẫn chuyển dần sang phương pháp tự học nhiều hơn, HS khối 11 được tiếp cận với thi, HS lớp 12 thì được GV trang bị cho kỹ năng thi cử. Thời gian tới chúng tôi sẽ hướng tới xây dựng mô hình trường học: Học ra học, chơi ra chơi, rất vui, thoải mái nhưng nề nếp. Đặc biệt sẽ đưa GD giới tính vào giảng dạy cho HS khối 11. Cảm nhận chung thì ở môi trường trường chuyên, HS và GV được chọn và đầu tư. Các em HS ngay từ đầu vào đã có chất lượng học tập tốt, và GV được chọn lựa kỹ. Thêm vào đó, Bộ GD-ĐT đã cho phép trường chuyên linh hoạt trong chương trình giảng dạy, không rập khuôn máy móc mà phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt từ chương trình của Bộ đề ra để giảng dạy cho HS chuyên. Ngoài ra, Trường Chuyên ngữ còn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, được đầu tư CSVC. Trường ĐH Ngoại ngữ và các tổ chức quốc tế trang bị cho trường khá đầy đủ trang thiết bị dạy học hiện đại. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong rằng sẽ nhận được sự đầu tư từ các dự án của Bộ nhiều hơn để có thể áp dụng được những phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại của các nước. 

PV: Với cách làm như vậy, xin bà cho biết hiệu quả đào tạo của nhà trường? 

Hiệu trưởng Lê Thị Chính: Nhiều năm qua, nhà trường luôn giữ và phát huy được truyền thống đào tạo tốt. Đặc biệt năm học 2008-2009, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 do Bộ GD-ĐT tổ chức, 22/28 HS của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đoạt giải, trong đó có 2 giải Nhất, 6 giải Nhì, 11 giải Ba. Thi tốt nghiệp THPT, tỉ lệ HS đạt khá giỏi chiếm gần 80%, trong đó có 272/337 HS có điểm trung bình xét tốt nghiệp từ 8 điểm trở lên, thậm chí có 58 HS điểm xét tốt nghiệp từ 9 điểm, có 4 HS thi được 4 điểm 10. Kết thúc năm học trường chúng tôi có 39 em HS đạt danh hiệu HS giỏi suất sắc. HS trung bình chiếm 1%, còn lại là khá giỏi và xuất sắc. Nhờ có bề dày thành tích dạy và học truyền thống, HS học tốt, học đều các môn nên tỉ lệ đỗ ĐH rất cao. Theo số liệu thống kê của BGH có 97,8% HS đỗ ĐH nguyện vọng 1, trong đó có 19 em đỗ thủ khoa các trường, ngành.

PV: Nhiều năm gắn bó với mái trường chuyên ngữ, theo bà những vấn đề của trường chuyên đang đặt ra hiện nay là gì? 

Hiệu trưởng Lê Thị Chính: Vấn đề này tôi rất quan tâm, trăn trở và phát biểu ở nhiều hội nghị của ngành. Theo tôi, vấn đề đặt ra của trường chuyên hiện nay tập trung ở mấy điểm sau: Thứ nhất, áp dụng phương pháp dạy hiện đại, lớp học ít HS. CSVC của hệ thống trường chuyên hiện nay còn khó khăn, đặc biệt là diện tích trường quá chật hẹp. Chính vì thế, nhiều khi chỉ tiêu tuyển sinh thì nhiều nhưng nhà trường lại không có lớp để tuyển sinh. Trường chưa có lớp để khi học đúng môn chuyên HS được chia lớp, học ở các lớp chia nhỏ với sĩ số ít hơn và học tăng cường nhiều tiết. Thứ hai, đó là việc HS học xong ở trường chuyên đi đâu? Phần đông HS xin học bổng đi du học, dẫn tới hiện tượng chảy máu chất xám. Do đó, chúng ta không tiếp tục quản lý được HS trường chuyên. Rõ ràng HS trường chuyên được đầu tư nhiều, được chọn thầy để học nhưng đầu ra lại không được quản lý chặt chẽ. Như vậy, thật là lãng phí trong đào tạo. Cho dù đến nay chúng ta chưa thống kê đã chảy máu chất xám nhiều như thế nào nhưng hiện tượng chảy máu chất xám ở trường chuyên quá phổ biến. Thứ ba, là chương trình học nói chung không dành riêng cho trường chuyên mà vẫn áp dụng chung cho GD đại trà. Trong khi đó chương trình GD chung quá nặng. HS phải học nhiều môn. Có hiện tượng cùng một buổi sáng HS phải làm 3-4 bài thi kiểm tra. Đây là nghịch lý bởi quĩ thời gian quá ít nhưng chương trình dạy quá nặng, chương trình dễ bị cắt xén (nghỉ Tết, lễ, rét…). Cần phải giảm tải chương trình, làm sao hướng tới đích HS học cái gì biết cái ấy hơn là học quá nhiều nhưng biết lại quá ít. Thứ tư, là bất cập ở học phí và lương GV trường chuyên. Vẫn biết rằng hiện nay do sự ưu ái của phụ huynh và HS nên một số GV được mời dạy thêm, kèm thêm cho HS nên có thu nhập cao. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít. Nhưng việc làm đó cũng sẽ làm hỏng GD vì GV chắc chắn sẽ phân tâm trong công tác. Nhà nước không thể nào bao cấp, và nhà trường có cố gắng mấy cũng không trả cho GV mức lương cao. Bởi GV dạy trường dân lập có yếu tố nước ngoài lương 7-10 triệu/tháng nhưng GV trường chuyên chỉ có lương cơ bản cộng thêm 70% đứng lớp. Hiện nay học phí trường chuyên quá ít, trường thu nhiều thì hơn 100.000 đồng, trường ít chỉ vài chục nghìn. Không nên tạo sức nặng quá lớn cho nhà trường- học phí thấp nhưng đòi hỏi chất lượng cao. Nên chăng cần phải điều hòa để không tạo gánh nặng cho trường chuyên, để “cởi trói” cho nhà trường tập trung tốt vào công việc dạy – học cho HS. Không cẩn thận HS vào trường chuyên chỉ vì học phí rẻ. Tôi cho rằng học phí trường chuyên phải cao để dùng một phần quay lại phục vụ cho HS, nâng cao đời sống GV. Tuy nhiên, phải phân loại HS. HS nghèo thực sự có tài năng cần chăm sóc, cấp học bổng cho các em có điều kiện học tốt. Nhưng với con em các gia đình khá giả, cần phải đóng học phí cao. Chắc chắn phụ huynh không từ chối chuyện đầu tư cho con cái học tốt. Nếu chỉ một mình Nhà nước đầu tư thì chỉ đạt đến A nhưng có cả XHH thì đầu tư cho GD sẽ đạt mức C, sẽ tốt hơn. 

PV: Xin cảm ơn Hiệu trưởng về cuộc trao đổi này!