Những lợi ích từ cách dạy-học môn Văn theo phương pháp “Trả tác phẩm cho học sinh”

1. Một cách học văn đã quen với học sinh PTCNN nhiều năm nay 

Đã 7 năm nay, nhiều học sinh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ – Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN được học văn theo phương pháp “Trả tác phẩm về cho học sinh” dưới sự hướng dẫn của Thầy giáo – TS. Nguyễn Quang Trung. Những lớp học sinh may mắn sớm được làm quen với cách học ấy hẳn sẽ mãi lưu giữ hình ảnh giờ học như một kỷ niệm đặc biệt của tuổi học trò gắn với mái trường PTCNN. Có thể nhiều giáo viên và phụ huynh chưa hiểu cách học này, chỉ thấy học sinh tốn khá nhiều thời gian, công sức, cả kinh phí nữa, ảnh hưởng tới các môn học khác. Có những học sinh cùng tổ nhóm nhưng chưa sống thật với tác phẩm, ít đầu tư trí lực và cảm xúc trong quá trình triển khai bài học, nên điều thu được chẳng bao nhiêu. Nhưng nhiều học sinh đã lớn lên hẳn về trí tụệ, cảm xúc, được rất nhiều từ phương pháp học ấy. Năm học 2009-2010 phương pháp này đã được triển khai đại trà cho toàn khối 10 và một số lớp 11, 12 khác với sự tham gia hướng dẫn của tất cả giáo viên văn trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. 

2. Thế nào là “Trả tác phẩm về cho học sinh” khi dạy-học môn văn? 

Đổi mới phương pháp dạy–học nói chung và đổi mới phương pháp dạy–học văn nói riêng là cụm từ đã quá quen với tất cả mọi người.Định hướng của mục tiêu đổi mới đã được ghi trong Luật Giáo dục, trong Quyết dịnh ban hành cùng chương trình SGK Cải cách giáo dục năm 2006 của Bộ Giáo dục Đào tạo, tất cả đều hướng tới việc rèn luyện cho học sinh khả năng thực hành, tự học, làm việc theo nhóm, khơi dậy trong học sinh niềm đam mê khám phá, sáng tạo, nuôi dưỡng ở các em tình yêu đối với môn học. “Trả tác phẩm về cho học sinh” là một phương pháp, một tâm huyết của TS. Nguyễn Quang Trung và tập thể giáo viên văn trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, mong góp phần quan trọng cải thiện tình hình dạy–học văn trong các nhà trường hiện nay. Qua 7 năm tiến hành thử nghiệm và thường xuyên rút kinh nghiệm, điều chỉnh, phương pháp ấy có thể nói gọn như sau:

– Mối tổ học sinh được phân công chuẩn bị một tác phẩm trong thời gian khoảng 1 tháng. Học sinh được chia thành nhiều nhóm: nhóm tiểu phẩm (gồm những học sinh có năng khiếu về nghệ thuật: Biên kịch, đạo diễn, diễn viên, đạo cụ, mỹ thuật sân khấu…; thực hiện một video clip về quá trình làm việc, một hoạt cảnh); nhóm viết chuyên luận nghiên cứu về tác phẩm (nhóm quan trọng nhất) gồm những học sinh có năng lực tư duy khoa học, tổ chức chuyên luận, diễn đạt tốt; nhóm in ấn trình bày văn bản; nhóm thuyết trình; nhóm tổ chức hội thảo; nhóm quay phim chụp ảnh. Tổ trưởng là người lên kế hoạch thực hiện đề tài, chọn người phân công vào các nhóm, ấn định thời gian và đôn đốc thực hiện, tổ chức tổng duyệt trước khi thực hiện giờ học báo cáo kết quả. Đó là cách học theo hướng nghiên cứu, rèn luyện cho học sinh năng lực tự học, tự tổ chức hoạt động, phát huy vai trò chủ động. sáng tạo của các em. – Học sinh tiếp cận tác phẩm văn chương vừa ở phương diện nghiên cứu phê bình, vừa ở phương diện nghệ thuật (kết hợp nghệ thuật sân khấu với điện ảnh, vũ đạo, hội họa…; xây dựng kịch bản cho giờ học, chuyển thể tác phẩm từ nghệ thuật ngôn từ sang các loại hình nghệ thuật khác)

– Trong quá trình thực hiện “đề tài”, học sinh giữ vai trò chủ động, chủ đạo; giáo viên hướng dẫn, sửa chữa, chốt lại các vấn đề tranh luận, vai trò của thầy và trò là bình đẳng trước tác phẩm; người học đồng sáng tạo với tác giả trong quá trình tiếp nhận tác phẩm; những người tham dự giờ học có thể tham gia ý kiến, khoảng cách giữa thầy và trò trở nên gần gũi, cùng chia sẻ những hiểu biết, những cảm xúc…

– Sau khoảng 1 tháng thực hiện “nghiên cứu”, học sinh có 2 tiết để báo cáo kết quả. Sản phẩm là một chuyên luận từ 50 đến 70 trang (nghiên cứu về tác giả tác phẩm, phân tích trích đoạn, giới thiệu các bài viết hay về tác phẩm, danh mục tài liệu tham khảo…); Chiếu clíp về quá trình làm việc, diễn tiểu phẩm do học sinh viết kịch bản và đạo diễn, diễn xuất, thuyết trình tóm tắt chuyên luận, hội thảo về các vấn đề đặt ra trong quá trình tìm hiểu văn bản tác phẩm; giáo viên nhận xét, chốt kiến thức và đánh giá cho điểm.

3. Những lợi ích từ phía người học 

– Rất nhiều kỹ năng được hình thành ở học sinh qua việc thực hiện bài học theo phương pháp này: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nghiên cứu khoa học, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng diễn xuất nghệ thuật, kỹ năng thuyết trình, hội thảo, kỹ năng tổ chức sự kiện…Các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh sẽ thấy ngạc nghiên trước những ý tưởng, những sáng tạo bất ngờ của các em.

– Học sinh hiểu bài sâu, nhớ kỹ tác phẩm, lưu giữ mãi hình ảnh về giờ học, về bạn bè, về thầy cô gắn với mái trường yêu dấu của các em

– Học sinh hiểu biết về nhau nhiều hơn, gắn bó đoàn kết và có trách nhiệm với nhau, với công việc, cùng có khao khát về sự thành công. Các em được thay đổi trạng thái tinh thần, cảm xúc, bớt mệt mỏi, căng thẳng do chương trình học khá nặng nề ở trường chuyên, từ đó sẽ nhiều cảm hứng và hiệu quả hơn với các bài học khác, môn học khác. 

4. Những lợi ích từ phía người dạy và nhà trường 

– Hướng dẫn học sinh theo phương này, bản thân giáo viên cũng được thành thạo hơn về kỹ năng nghiên cứu, tổ chức các chuyên luận khoa học và tổ chức hội thảo.

– Để hướng dẫn được học sinh làm việc, giáo viên cũng có hiểu biết về các phương diện liên quan, để vừa định hướng, vừa điều chỉnh, vừa sáng tạo cùng các em. Qua quá trình thực hiện bài học, thầy trò trở nên gần gũi. Sự tin tưởng và yêu quí của học sinh chính là phần thưởng quí giá nhất đối với người thầy giáo.

– Các sản phẩm khoa học và nghệ thuật do học sinh tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo sẽ là nguồn bổ sung tuyệt vời cho hồ sơ bài giảng và là những gợi ý tiếp theo cho thầy cô trong quá trình đổi mới phương pháp để đạt được những kết quả cao hơn.

– Xin chép ra đây những “lời nói đầu” trong cuốn tiểu luận gần 50 trang của học sinh tổ 2 lớp 10H, để thầy cô thấy rõ hơn lợi ích của cách học này và của nhà trường: “Các bạn thân mến! Đã từ lâu chúng tôi luôn mơ ước thầy cô không chỉ giảng bài cho học trò nghe và ghi chép, mà thầy cô còn truyền cho chúng ta phương pháp để chúng ta tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức. Điều đó đã phần nào được đáp ứng khi thày cô giáo trong tổ văn trường THPT Chuyên Ngoại ngữ lần đầu tiên áp dụng rộng rãi phương pháp “Trả tác phẩm về cho học sinh” ở khối 10. “Chuyện chức phán sự đền Tản viên” là tác phẩm mà thầy cô đã “trả” chúng tôi theo tinh thần: thầy cô hướng dẫn, định hướng, giúp đỡ; còn chúng tôi tích cực, chủ động chiếm lĩnh tác phẩm. Chúng tôi đã đọc tác phẩm không biết bao nhiêu lượt, đã viết lại không biét bao nhiêu lần, cũng không biết bao nhiêu cuộc tranh cãi đã diễn ra để tìm phương án tối ưu…. Trên tay các bạn là thành quả của chúng tôi, là tri thức khoa học, là tâm huyết nhiệt thành, là bao nỗ lực cố gắng, là niềm tự hào của chúng tôi, và cũng là món quà mà chúng tôi muốn gửi đến các bạn, bố mẹ và thầy cô…” 

5. Những đề nghị điều chỉnh để phương pháp phù hợp và hiệu quả 

– Học theo phương này, cả thầy và trò đề phải tập trung nhiều thời gian, tâm huyết và công sức, vì thế, trong một năm học mỗi lớp học sinh chỉ nên chia thành 2 nhóm, mỗi học kỳ 1 nhóm thực hiện một tác phẩm. Khi phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu này được nhân rộng ra các môn học khác, học sinh sẽ thực hiện nhiều “đề tài”, việc cân đối thời gian cho mỗi môn là cần thiết.

– Trong quá trình thực hiện bài học theo hướng này, giáo viên hướng dẫn cần lưu ý học sinh sử dụng thời gian, kinh phí và sức khỏe một cách tiết kiệm nhất, và ưu tiên tập trung trước hết cho nghiên cứu khoa học, tránh khuynh hướng quá thiên về tiểu phẩm sân khấu, quá cầu kỳ về trang phục, đạo cụ..

– Đề nghị sự triển khai phương pháp học này ở 3 khối như sau: + Lớp 10: Làm quen cách học:

bước 1: tập làm tiểu phẩm (chuyển thể kịch bản, diễn tiểu phẩm…);

bước 2: tập dượt nghiên cứu khoa học, viết tiểu luận. + Lớp 11: Thực hiện hoàn chỉnh bài học theo phương pháp (cả khoa học và nghệ thuật) và tổ chức báo cáo kết quả. + Lớp 12: Chỉ tập trung “nghiên cứu khoa học”, viết chuyên luận và tổ chức hội thảo. 

6. Kết luận 

Trả tác phẩm về cho học sinh” là phương pháp dạy–học văn hiệu quả, hấp dẫn với học sinh. Phương pháp này nếu được nhân rộng sẽ góp phần cải thiện đáng kể tình trạng dạy học văn buồn tẻ trong nhiều nhà trường hiện nay. Qua phần báo cáo kết quả của các em, thấy mỗi lớp, mỗi nhóm có những sáng tạo riêng, thành công hoặc thiếu hụt riêng. Tuy nhiên, học sinh lớp nào cũng hào hứng, say mê. Cách học này đã đánh thức trong các em niềm đam mê khám phá sáng tạo. Cách học này cũng khơi gợi và nuôi dưỡng trong các em những cảm xúc tốt đẹp với cuộc sống. Trong dạy học, không có phương pháp nào là độc tôn và luôn phù hợp cho mọi đối tượng, luôn thành công với bất cứ lớp nào, thầy cô nào. “Trả tác phẩm về cho học sinh” chỉ là một trong những phương pháp, và giáo viên cần tổ chức thực hiện thật khoa học, phù hợp với điều kiện thời gian và lớp học sinh do mình phụ trách. Chúng ta cảm ơn tâm huyết của Thầy giáo – TS. Nguyễn Quang Trung và các cô giáo tổ văn trường PTCNN; cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình và những sáng tạo không ngờ của các lớp học sinh CNN, đặc biệt là học sinh khối 10 năm nay. Rất mong các thầy cô và các em không ngừng tìm tòi, đổi mới, để việc dạy và học ngày một hiệu quả hơn, chất lượng đào tạo ngày một cao hơn. 

 TS. Lê Thị Chính – Hiệu trưởng