Giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa: Chương trình mới, cách học mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện trong toàn quốc với sự thay đổi mạnh mẽ nội dung và phương pháp dạy học, nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực từ phía người dạy và người học. Theo tinh thần đó, không gian học tập và trao đổi tri thức môn Ngữ văn trong nhà trường cũng chuyển động theo hướng mới mẻ, thiết thực, toàn diện hơn.

Vừa qua, nhóm Văn – tổ Xã hội trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã tổ chức thành công chương trình Ngoại khóa văn học khối 10: Gặp gỡ nhà thơ Trần Đăng Khoa. Chương trình đáp ứng hai mục tiêu căn bản: Một là, xây dựng không gian học tập mở – nơi có thể giao lưu, trao đổi về tác phẩm với nhà thơ, với những người đọc đồng trang lứa. Hai là, khơi dậy tình yêu văn chương cho học sinh từ những hiểu biết phong phú và sâu sắc về tác giả, tác phẩm.

Chương trình ngoại khóa vinh dự đón tiếp sự hiện diện của TS. Nguyễn Phú Chiến – Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ThS. Nguyễn Huyền Trang – Hiệu trưởng trường THCS Ngoại ngữ , ThS. Lê Thị Thanh Hà – Tổ trưởng tổ Xã hội trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ThS. Cao Thị Thúy Hòa – Tổ phó tổ Xã hội trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cùng các thầy cô giáo tổ Xã hội, các thầy cô giáo chủ nhiệm khối 10, đại diện Ban phụ huynh học sinh khối 10, toàn thể các em học sinh khối 10 THPT Chuyên Ngoại ngữ và học sinh khối 7 trường THCS Ngoại ngữ. 

Với nhiều thế hệ người yêu thơ Việt Nam, Trần Đăng Khoa không còn là một cái tên xa lạ. Hơn một nửa thế kỉ qua đi kể từ “Từ góc sân nhà em” – tập thơ đầu tay của “thi sĩ thần đồng” Trần Đăng Khoa ra đời, những bài thơ của ông đã đi cùng năm tháng, trở thành những đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu của biết bao thế hệ bạn đọc Việt Nam. Tuy nhiên, Trần Đăng Khoa không chỉ thành công ở mảng đề tài văn học thiếu nhi. Ngòi bút của ông còn ghi dấu ở mảng đề tài về người lính và đất nước. Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới có một bài thơ nổi tiếng về chủ đề biển đảo của nhà thơ: thi phẩm “Lính đảo hát tình ca trên đảo”. 

Trong buổi giao lưu, bằng lối nói chuyện hóm hỉnh, tự nhiên, duyên dáng, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ với các em học sinh khối 10 trường THPT Chuyên Ngoại ngữ về quá trình sáng tác, những yếu tố góp phần hình thành hồn thơ, làm nên thành công của nhà thơ. Nhà thơ đặc biệt nhấn mạnh với các em về vai trò quan trọng của việc đọc sách, sự quan sát đời sống, sự rung cảm tâm hồn. “Học trong sách vở, học ở đời sống, học từ bạn bè. Ai cũng có thể là người thầy của mình”- đó chính là lời nhắn nhủ của bác Trần Đăng Khoa với các em học sinh Chuyên Ngoại ngữ. 

Để giúp các em học sinh khối 10 hiểu rõ hơn về bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo trong Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đọc những câu thơ viết về biển đảo trong những sáng tác khác của mình như “Thơ tình người lính biển”, “Đoạn văn xuôi chép ở đảo Chìm”: “Có gì đâu, chiều ấy trong lều bạt/ Cơn sốt thuở Trường Sơn quật tôi tái tê người/ Anh bạn bên tôi hết đứng lại ngồi/ Không sao yên lòng được… Đảo vẫn còn chìm dưới ba mét nước/ Măng khô hết rồi. Chỉ thăm thẳm biển xanh/ Lưới chẳng có mà cá vờn trước mặt/ Biết tìm đâu ra một bát canh?”. Tác giả đã kể cho các em học sinh nghe về cuộc sống đầy gian khổ, thiếu thốn của những người lính trên đảo chìm Trường Sa từ những trải nghiệm của chính mình. Phần lắng đọng nhất là khi nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc và tâm sự về bài thơ “Lính đảo hát tình ca trên đảo” – bản tình ca kiêu hãnh về tinh thần lạc quan của những người lính đảo; bản tình ca day dứt về những gian khổ, thiếu thốn và cả những hi sinh không thể nói thành lời của những con người đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương. Những chia sẻ thấm thía, xúc động của nhà thơ chắc chắn sẽ giúp các em học sinh thêm rung cảm về những vần thơ vốn chỉ là những con chữ nằm thẳng băng trên trang giấy học trò. Thêm nữa, khi được hỏi về sự ảnh hưởng của công nghệ thông tin đến đời sống sáng tác, chẳng hạn như Chat GPT có thể làm thơ, Trần Đăng Khoa cho rằng: công nghệ không thể thay thế được cái tình của con người; mà thiếu tình thì không thành thơ được. Cho nên, dù công nghệ phát triển mạnh mẽ ra sao, thơ ca và đời sống sáng tác vẫn có đặc trưng và sức sống riêng.

Trong phần giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa, các em học sinh Chuyên Ngoại ngữ đã đem đến cho nhà thơ nhiều bất ngờ với các tiết mục văn nghệ đặc sắc: biểu diễn bài hát “Hạt gạo làng ta”, phổ nhạc bài thơ “Mẹ ốm”. Nhiều câu trả lời chính xác, thông minh khi giao lưu, chia sẻ giữa nhà thơ và bạn đọc cho thấy hiểu biết sâu sắc và niềm yêu thích của học sinh Chuyên Ngoại ngữ dành cho thơ ca Trần Đăng Khoa.

Khép lại buổi gặp gỡ, TS. Nguyễn Phú Chiến thay mặt BGH nhà trường đọc bài thơ “Góc sân và khoảng trời”, đồng thời gửi lời cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có những chia sẻ rất ý nghĩa và thú vị với thầy trò Chuyên Ngoại ngữ. 

Chương trình Ngoại khóa Văn học khối 10: Gặp gỡ nhà thơ Trần Đăng Khoa đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại nhiều cảm xúc đối với nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng như thầy và trò trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Ấn tượng với sự thông minh, hiểu biết của học sinh Chuyên Ngoại ngữ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã kí tặng vào tranh vẽ, tờ thơ do học sinh thiết kế và bày tỏ mong muốn có dịp được quay trở lại giao lưu cùng thầy cô và các em. 

“Chúng con cảm ơn thầy cô đã tổ chức chương trình quá tuyệt vời. Làm sao chúng con có thể không yêu văn chương được nếu có nhiều chương trình như thế này”- đó là lời chia sẻ của em Vân Thủy – một CNNer, cũng chính là tiếng lòng của tất cả các em học sinh Chuyên Ngoại ngữ sau buổi Ngoại khóa văn học thiết thực và hấp dẫn.

Những hình ảnh khác tại buổi giao lưu:

Tin bài và ảnh: Hồ Giang – Hải Hậu