Ba học sinh lớp 10A Trường THPT chuyên Ngoại ngữ tham dự cuộc thi Tranh biện và Giao lưu văn hóa PDWC Japan 2017 tại Nhật Bản
Trong tuần từ 9/2 đến 16/2/2017, theo lời mời của tổ chức Wakupro Foundation, ba bạn Chu Phương Cầm, Võ Hồng Anh, Đặng Xuân Việt (đều là học sinh lớp 10A Trường THPT chuyên Ngoại ngữ) đã tham dự cuộc thi Tranh biện và Giao lưu văn hóa dành cho học sinh phổ thông PDWC Japan 2017 (Parliamentary Debate World Competition and Conference) tổ chức tại Nhật Bản. Trưởng đoàn là cô Nguyễn Thị Lan (giáo viên tiếng Anh, chủ nhiệm lớp 10A).
Trong ngày đầu tiên 10/2 các đội được hướng dẫn kỹ thuật tranh biện, xem một cuộc tranh biện mẫu của tổ chức Debate Mate đến từ Anh và sau đó được chia thành các đội hỗn hợp để thực hành các kỹ thuật đã được huấn luyện.
Hai ngày tiếp theo 11/2 và 12/2 là hai ngày chính diễn ra hoạt động tranh biện. Các nhà hùng biện đã được tiếp cận với rất nhiều đề bài hay, đáng để tranh luận không chỉ trong cuộc thi mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Các đề bài cho 4 trận đấu bao gồm:
– Mạng xã hội có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực?
– Có nên giảm độ tuổi bầu cử xuống 14 tuổi?
– Đại sứ đại diện cho một quốc gia có được phép đưa ra tiếng nói của cá nhân mình hay không?
– Lối giáo dục truyền thống có còn phù hợp cho xã hội ngày nay hay không?
Điểm thú vị của giải đấu này là các đội chỉ được biết trước đề bài 20 phút trước khi bắt đầu thi đấu. Trong 20 phút đó, thí sinh cần nhanh chóng xây dựng luận điểm, luận cứ cũng như vạch ra một chiến thuật thật chặt chẽ. Điều này đòi hỏi khả năng suy nghĩ nhanh nhạy, và làm việc nhóm thật hiệu quả, bởi trong một thời gian ngắn như vậy, không còn chỗ cho sự bất đồng, tranh cãi.
Một điều thú vị khác, đó là thí sinh không có quyền chọn phe ủng hộ hay phản đối, mà điều đó đã được sắp xếp sẵn từ ban tổ chức. Giả sử, chúng tôi nghĩ rằng không nên giảm độ tuổi bầu cử xuống 14, nhưng được xếp vào phe ủng hộ, thì vẫn phải tìm mọi lí do, luận cứ để bảo vệ ý kiến “Nên giảm độ tuổi bầu cử”. Đây có lẽ cũng chính là cốt lõi của tranh biện, bởi nó dạy cho thí sinh cách luôn nhìn một sự việc từ nhiều góc độ, nhiều quan điểm khác nhau.
Sau 4 trận đấu, đoàn Việt Nam giành được 2 chiến thắng trước các đội tuyển đến từ Nigeria và Mỹ, cùng với đó là 2 lần để thua trước New Zealand. Có 4 vòng thi tranh biện chọn ra 4 đội tốt nhất vào bán kết và 2 đội vào chung kết. Australia và Nhật bản lọt vào chung kết, Newzeland và Isaren đấu bán kết. Quán quân tranh biện năm nay thuộc về Nhật Bản. Đội Nhật Bản đã phản biện tốt với chủ đề bãi bỏ vũ khí hạt nhân. Đoàn Việt Nam vinh dự có học sinh Chu Phương Cầm đạt huy chương giành cho 5/51 thí sinh tranh biện xuất sắc nhất.
Song song với các hoạt động thi đấu là các hoạt động giao lưu văn hóa. Việc tiếp xúc, giao lưu văn hóa diễn ra trong suốt quá trình của cuộc thi, các đoàn được tham gia vào những đêm văn hóa, được trải nghiệm những nét đẹp, đặc điểm văn hóa của nhiều vùng, nhiều đất nước khác nhau, được thể hiện qua phần video giới thiệu, các màn biểu diễn của các bạn, qua các điệu nhảy, bài hát mang đậm tính cổ truyền của các nước như Hungary, Nhật Bản, New Zealand, Mỹ, Australia,… Hơn nữa, vốn hiểu biết về sự đa dạng văn hóa trên thế giới của học sinh đã được mở rộng hơn rất nhiều.
Các đoàn còn được xem phim về Hiroshima, một trong hai thành phố bị quân đội Mỹ ném bom nguyên tử năm 1945, xem triển lãm và nghe kể về thảm họa Hiroshima qua lời kể của các những nhân chứng sống. Hậu quả của hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay, tương tự như hậu quả của chất độc màu da cam quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam. Vì vậy mục tiêu tranh biện của cuộc thi lần này nhằm hướng tới truyền bá hòa bình và hữu nghị giữa các nước trên thế giới.
Ba ngày tiếp theo từ 13/02 đến 15/02 đã diễn ra các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm văn hóa và đi thăm các địa danh ở Nhật bản. Các đoàn được trải nghiệm những điều vô cùng thú vị như làm mì Soba, giã gạo làm bánh Mochi, trượt tuyết, thi chạy, thi bơi trên tuyết hay nhảy và ngã xuống những vạt tuyết mềm mịn trắng như bông, tắm suối nước nóng, tham quan núi Phú Sỹ, đi tàu siêu tốc Shinkansen tới Tokyo, thăm thủ đô Tokyo nơi có ngôi đền lớn Asakusa và khu mua sắm cho giới trẻ. Có lẽ với toàn bộ các thành viên trong đoàn, đây là những trải nghiệm vô cùng mới mẻ, tuyệt vời, vừa mang lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người vừa đem lại sự hiểu biết về những điều thường ngày hơn. Những hoạt động này thật hấp dẫn và có ý nghĩa , vì chính qua việc cùng nhau ngâm mình trong suối nước nóng, học trượt tuyết hay thăm thú cảnh quan, mọi người mới thêm gần nhau, hiểu nhau và yêu quý, gắn bó với nhau hơn.
Sau chuyến đi dài, ai cũng nhớ cái lạnh dưới không độ C và tuyết trắng dày quá đầu người của tỉnh Narita miền bắc Nhật Bản, nhớ những người bạn mới tuyệt vời, những trải nghiệm thú vị, mới mẻ, những bài học ý nghĩa, và quan trọng hơn cả là biết ơn bà Nakadai, giám đốc quỹ từ thiện Wuakupro Foundation, một người phụ nữ đã 75 tuổi nhưng vô cùng nhiệt huyết, trẻ trung và luôn nỗ lực để mọi người trên thế giới hiểu được thảm họa chiến tranh và giá trị của hòa bình và tình yêu thương. Chính bà, một người phụ nữ thành đạt, đã nuôi dưỡng ước mơ và ý tưởng cùng với các thành viên của Wakupro Foundation tài trợ cho PDWC Japan 2017 (Parliamentary Debate World Competition and Conference), đem đến sự trải nghiệm không thể nào quên cho bạn bè quốc tế trên đất nước Nhật Bản văn minh, hiện đại, mến khách.
Tất cả những điều ấy, sẽ mãi là những ký ức tươi đẹp nhất, của một chuyến đi tuyệt vời nhất…
Nguyễn Thị Lan