Hội thảo “Định hướng phát triển Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ trong bối cảnh mới”

Ngày 17/8/2023,  tại Hội trường Vũ Đình Liên đã diễn ra Hội thảo “Định hướng phát triển Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ trong bối cảnh mới” nhằm thảo luận và đề xuất bước đi mới của trường THPT Chuyên trực thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội trong bối cảnh xã hội đang thay đổi hiện nay. 

TS. Nguyễn Xuân Long phát biểu khai mạc

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Ban thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh; Ban Giám hiệu và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ; Tập thể lãnh đạo và Chi bộ Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ; cùng đại diện các trường THPT Chuyên/ thực hành trực thuộc Đại học, các trường THPT của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các trường mô hình liên cấp. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – TS. Nguyễn Xuân Long cho biết Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có liên quan trực tiếp đến định hướng phát triển của các trường Chuyên trực thuộc trường Đại học. Trên bối cảnh đó, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm đề ra hướng đi của Chuyên Ngoại ngữ trong thời gian tới. Nhìn chung, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và các trường trong Đại học Quốc gia Hà Nội đều hy vọng sẽ có sự quy hoạch và định hướng phát triển chung, đặc biệt trong thời kỳ này việc xây dựng kế hoạch phát triển và cơ chế tài chính là nhiệm vụ rất quan trọng. Để đưa ra định hướng khách quan nhất, Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức hội thảo này với mong muốn lắng nghe những chia sẻ và đóng góp của các trường Chuyên trong khu vực. Hiệu trưởng cũng tin tưởng rằng, với tinh thần vào cuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, và các trường THPT Chuyên trực thuộc Đại học khác sẽ đóng góp tiếng nói vào sự phát triển chung của nền giáo dục ngay trong bối cảnh xã hội mới hiện nay.  

Tại hội thảo đã có phần trình bày của 4 bài báo cáo tham luận. Đây là kết quả sau quá trình nghiên cứu sâu sắc của các báo cáo viên đưa tới chương trình.

Tham luận 1 “Các giai đoạn phát triển Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ” của cô Lại Thị Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã giới thiệu sơ lược về sự hình thành, lớn mạnh và đi đôi với công cuộc phát triển bền vững và mạnh mẽ của THPT Chuyên Ngoại ngữ. Trải qua 08 giai đoạn từ khi thành lập đến hiện nay, nhận được sự quan tâm của ban lãnh đạo Đại học Ngoại ngữ và Đại học Quốc gia, đi cùng với đội ngũ giảng viên, giáo viên có trình độ chuyên môn cao, và bắt kịp xu thế ngoại ngữ đón đầu thế giới, Nhà trường đã đi từng bước đi vững chãi, dần dần trở thành một trong những trường THPT hàng đầu của Thủ đô và khẳng định “thương hiệu” của mình trong việc hướng học sinh trở thành công dân toàn cầu. 

Tham luận 2 “Một vài ý kiến về định hướng phát triển của các trường THPT Chuyên trong giai đoạn tới” được trình bày bởi thầy Phạm Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy cho biết, ngân sách của Nhà nước chi ra với giáo dục của các trường Chuyên là ngân sách đặc thù, mang tính khác biệt so với ngân sách Nhà nước đầu tư cho các trường THPT khác. Thế nhưng, việc thay đổi theo thông tư đi cùng với việc chuyển đổi trong tiền tệ, bắt buộc các trường học muốn duy trì thì phải mở rộng quy mô, tăng các lớp chuyên, gia tăng học phí để đảm bảo việc duy trì trường học trong thời điểm hiện nay. Vì vậy. Hiệu trưởng THPT Chuyên Đại học Sư phạm cho biết trường đã làm dự án và hy vọng các trường chuyên trong tương lai cũng tiến tới tự chủ về tài chính, con người và chương trình học, từng bước hoàn thiện đề án, từ đó sẽ từng bước dẫn tới việc tự chủ. 

Tham luận 3 “Trường THPT chuyên thuộc các trường Đại học trước bối cảnh tự chủ Đại học” là của thầy Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên Lê Công Lợi chia sẻ rằng, học phí là vấn đề chung mà không chỉ Trường THPT Chuyên khoa học Tự nhiên nói riêng mà các trường Chuyên trực thuộc Đại học nói chung đều vô cùng quan tâm, đặc biệt là khi các trường trực thuộc sự chỉ đạo của lãnh đạo Đại học nhưng vẫn phải thu học phí của các hệ không chuyên trong các trường chuyên như các trường THPT bên ngoài. Chính điều đó đã đặt ra những nỗi lo lắng và trăn trở trong thời điểm bối cảnh mới hiện nay của trường. 

Tham luận 4 “Định hướng phát triển của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ trong bối cảnh mới” với phần trình bày của thầy Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Thầy Nguyễn Phú Chiến cho rằng, đi đôi với sự phát triển cũng là bài toán nan giải – kinh phí – nỗi lo của các trường THPT Chuyên và cũng là nỗi lo chung của Chuyên Ngoại ngữ và Đại học Quốc gia Hà Nội. Để giải quyết câu hỏi hóc búa này, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã xác định hai hướng đi chính: Chuyển đổi mô hình quản lý tài chính sang đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chi thường xuyên (tự chủ tài chính) và chuyển đổi mô hình trường từ THPT chuyên sang THPT CLC, trong đó ưu tiên hơn của trường là việc chuyển đổi mô hình sang tự chủ tài chính để từ đó tự chủ mở rộng hơn. 

Thầy Phạm Sĩ Cường, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành cũng gửi tới Hội thảo bài chia sẻ về chủ đề “Triển khai mô hình trường thực hành sư phạm liên cấp, tự chủ tài chính”. Trong nhiều mô hình giáo dục của các trường trong địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước, Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn đi theo hướng giáo dục toàn diện về mặt nhân cách, học tập và hoạt động xã hội. Đặc biệt hơn, trường đã theo quy mô tự chủ về mặt tài chính và con người, đồng thời được hưởng sự quan tâm sâu sắc và tạo điều kiện của các lãnh đạo trong trường, cùng với nguồn tuyển chọn học sinh tốt khi nằm trong hệ sinh thái Đại học Sư phạm Hà Nội đã mang lại tài nguyên phát triển mạnh mẽ và dồi dào cho Nhà trường. Vì vậy, thầy cũng khẳng định việc tự chủ về mặt tài chính mang đến nhiều thách thức nhưng cũng mang về rất nhiều thành công cho trường. 

Sau đó, các đại biểu đã bước vào phiên trao đổi và thảo luận. Nhiều đóng góp ý kiến từ các thầy cô tham dự đã được đưa ra nhằm góp ý xây dựng định hướng cho không chỉ Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ mà còn cho các trường Chuyên khác nói chung.

Khép lại hội thảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại ngữ – TS. Đỗ Tuấn Minh đánh giá cao Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã đưa ra những hướng đi mới và có tinh thần thích ứng tốt trước sự vận động và phát triển không ngừng của xã hội, đặc biệt là trước sự ra đời của Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trường THPT chuyên (Ban hành kèm theo Thông tư 05-BGDĐT). Thầy cũng cho biết, Hội thảo đã giải quyết được nội hàm bối cảnh mới hiện nay, giúp nhìn nhận ra sự phân hoá giữa các trường công lập và ngoài công lập, nhìn ra được câu chuyện của các trường tự chủ và chưa tự chủ, cũng như các trường theo định hướng thí điểm và các trường theo quy định hiện hành. Vì vậy, việc cần làm của các trường THPT Chuyên trực thuộc Đại học là tiếp tục tăng cường trao đổi và phối hợp sức mạnh để tạo sức cộng hưởng giữa các trường THPT, đồng thời mang tiếng nói để mọi giải pháp đều được lan tỏa và chia sẻ. Hơn nữa, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cần phải mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, và đối diện với thách thức, cùng chia sẻ và đồng hành với lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ và Đại học Quốc gia Hà Nội để đi đến giải pháp cụ thể. Thầy cũng mong rằng Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có những hỗ trợ nhất định trong giai đoạn quá độ, để Nhà trường có thể hoàn thành đề án chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động với tư cách đơn vị sự nghiệp công lập chi thường xuyên. “Chặng đường tuy còn dài nhưng nếu không bước những bước chân đầu tiên thì chặng đường ấy còn dài hơn nữa.”.

Buổi hội thảo khép lại với nhiều phản hồi tích cực, đồng thời hứa hẹn mang lại những diện mạo mới trong định hướng phát triển, và xác định, định hướng những bước đi tiếp theo của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ trong bối cảnh mới của xã hội. 

Một số hình ảnh khác:

Xem thêm ảnh tại: Link.

ULIS Media