Nam sinh chuyên Pháp đỗ Đại học Stanford
Bài viết bằng tiếng Anh, gợi ý giải pháp cải thiện ô nhiễm không khí Hà Nội giúp Tùng chinh phục ngôi trường xếp thứ 5 thế giới.
Nguyễn Đức Tùng, lớp 12 C chuyên Pháp, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nộp 31 hồ sơ cho mùa tuyển sinh đại học Mỹ năm nay. Nam sinh nhận được 10 thư báo trúng tuyển, trong đó có Đại học Stanford.
“Cảm giác như trong mơ”, Tùng nói, cho biết sau hai ngày biết kết quả, em vẫn thỉnh thoảng mở thư của trường để xem.
Theo QS 2024, Stanford xếp thứ 5 thế giới, với mức học phí hơn 65.000 USD (trên 1,6 tỷ)/năm.
Nam sinh cho hay gia đình từng nghĩ tới du học, nhưng ở bậc thạc sĩ. Hè năm lớp 10, Tùng gặp gỡ nhiều cựu học sinh của trường và được truyền động lực để bắt đầu.
Khó khăn lớn nhất của Tùng là sắp xếp thời gian. Thời điểm bận nhất là hè lớp 11 khi em vừa ôn bằng B1 tiếng Pháp, cải thiện điểm SAT (bài thi chuẩn hóa, dùng xét tuyển đại học ở Mỹ), thi IELTS và tham gia các hoạt động ngoại khóa, từ thiện, nghiên cứu.
“Mọi thứ chồng chất. Đôi khi em cảm giác quá sức”, Tùng kể, có lúc căng thẳng, không thể tập trung khi đang làm việc này lại nghĩ tới việc khác. Em dùng Google Calendar (ứng dụng quản lý thời gian) để lên danh sách việc cần làm trên điện thoại. Nhờ đó, em biết phải hoàn thành việc gì trước và đạt mục tiêu 8.5 IELTS, SAT 1.540/1.600 điểm và B1 tiếng Pháp.
Với các hoạt động ngoại khóa và bài nghiên cứu, Tùng xác định hướng tới chủ đề bảo vệ môi trường và cộng đồng. Đây cũng là tâm huyết của ông ngoại Tùng – chuyên gia đúc, luyện kim và môi trường Chu Đức Khải và tham gia rất tích cực.
“Em luôn ngưỡng mộ ông và cũng muốn làm công việc ý nghĩa như vậy”, Tùng nói.
Đọc những thông tin về tình trạng cá chết hàng loạt ở Nghệ An hay ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Tùng nghĩ đến góp phần cải thiện tình hình. Em tìm các bài nghiên cứu về ô nhiễm không khí hoặc phát triển đô thị trên Google Scholar (nguồn tìm kiếm các bài viết học thuật) để hiểu thêm. Tháng 6/2023, Tùng viết bài về giải pháp chống ô nhiễm không khí ở Hà Nội, dưới sự hướng dẫn của một mentor (cố vấn) tại Đại học Oxford.
Lần đầu viết nghiên cứu bằng tiếng Anh, Tùng bối rối vì có nhiều từ chuyên ngành. Nhiều nội dung khó hiểu, em dịch sang tiếng Việt, nhờ ông và bố giảng giải. Thỉnh thoảng, ông góp ý về chuyên môn, gợi ý tài liệu và cho ý kiến nhận xét, góp ý.
Bài viết sau đó 5 tháng được đăng trên Tạp chí môi trường, bản tiếng Anh. Nam sinh gợi ý một số giải pháp như trồng cây xanh, áp dụng công nghệ xử lý rác thải hiện đại ở châu Âu thay vì đốt như hiện tại. Em cũng đánh giá những giải pháp này phù hợp và chưa phù hợp ở đâu so với đặc điểm của thủ đô.
Tùng cũng là thành viên của dự án Striped Project từ năm lớp 10, tổ chức các sự kiện như thu gom giấy, quần áo, sách vở… nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tái chế đồ dùng. Các em còn tổ chức hội chợ, bán đồ cũ nhằm gây quỹ để mua quà tặng học sinh ở các điểm trường khó khăn. Ngoài ra, nam sinh tham gia hoạt động trồng cây xanh trên đảo Cát Hải, Hải Phòng.
Cuối cùng, Tùng bắt tay viết 9 bài luận. Stanford yêu cầu 8 bài luận phụ, từ 50 đến 250 từ. Nam sinh nhìn nhận đề bài khó nhất với em là viết thư cho bạn cùng phòng tương lai, để họ và ban tuyển sinh biết về em rõ hơn.
“Cái khó là em không thực sự viết cho bạn mà cho ban tuyển sinh. Em phải giữ được giọng văn chuẩn mực nhưng cũng thể hiện tính cách cá nhân”, Tùng nhìn nhận. Trong bài, Tùng kể thích gặp những người mới và nói chuyện với họ. Chẳng hạn, mỗi lần đi taxi, em hay trò chuyện cùng tài xế, biết họ từng mở nhà hàng hay chơi chứng khoán.
Tùng cũng kể về đam mê chụp ảnh và quay video. Ở Stanford, em mong chụp được nhiều bức ảnh đẹp lúc mặt trời lặn hay những điều thú vị ở trường như chữ của giảng viên trên bảng.
Cuối thư là “những sự thật thú vị”, Tùng chia sẻ có một danh sách bản nhạc 700 bài, đủ thể loại. Nam sinh cho rằng bản thân luôn rộng mở với những gợi ý mới, không chỉ âm nhạc, mà còn với mọi người hay môi trường khác.
“Ban tuyển sinh đã có 7 bài luận khác để đánh giá em nên bài này em thể hiện khía cạnh con người gần gũi, hoạt ngôn và hài hước”, Tùng chia sẻ.
Ngoài ra, Tùng còn ấn tượng với đề một bài luận yêu cầu liệt kê 5 thứ quan trọng chỉ trong 50 từ. Nam sinh phải cân nhắc và thay đổi nhiều lần để chọn được từ ngắn gọn nhưng đúng nghĩa. Những điều quan trọng với Tùng gồm gia đình và mèo; cộng đồng và các mối quan hệ; dung lượng bộ nhớ; ngắm mặt trời lặn và Google Sheet.
TS Đặng Ngọc Khương, giáo viên chủ nhiệm 12C, là người viết thư giới thiệu Tùng. Thầy Khương nói học trò luôn tràn đầy năng lượng tích cực, thông minh, có ý chí và quyết tâm cao.
“Tùng luôn cố gắng và chủ động cho kế hoạch du học của mình”, thầy giáo nói, cho biết điểm trung bình học tập của em đạt 9,4. Ở lớp, Tùng gắn kết các bạn bằng nhiều hoạt động, thường là người chụp ảnh, quay video để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
Từ kinh nghiệm của mình, Tùng cho rằng các ứng viên nên bắt đầu sớm để không bị dồn việc. Các hoạt động ngoại khóa nên có màu sắc riêng và phù hợp với định hướng ngành học. Ngoài ra, thời điểm phù hợp để hoàn thành chứng chỉ và bài thi chuẩn hóa là lớp 11.
Nam sinh sẽ đến Mỹ nhập học ngành Khoa học Môi trường của Stanford vào tháng 8.
“Em dự định học lên thạc sĩ và trở về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực này”, Tùng nói.
Đăng lại theo báo VnExpress: https://vnexpress.net/nam-sinh-chuyen-phap-do-dai-hoc-stanford-4729029.html?fbclid=IwAR0IZ2Zl-WHBcRHQZPD4gKYj44tHT7LVr8Xz7j3VBRKe-pLJiUOndq1Hd5A