Nữ sinh THPT chuyên Ngoại ngữ giành Học bổng toàn phần Chính phủ Nhật Bản
Đinh Khánh An, học sinh lớp 12 Khối Anh – Anh, Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong hai học sinh Việt Nam xuất sắc nhận được thư tiến cử học bổng toàn phần Chính phủ Nhật Bản năm 2024 từ Hội đồng quản trị Trường Đại học Ritsumeikan kỳ Early Decision.
“Hãy học vì mình thực sự muốn phát triển bản thân”
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đinh Khánh An bày tỏ niềm vui khi giành được Học bổng toàn phần Chính phủ Nhật Bản và trúng tuyển vào trường đại học đầu tiên đăng ký nộp hồ sơ: “Ban đầu, em không nghĩ mình sẽ nhận được Học bổng này. Em đăng ký vào trường chỉ để lấy kinh nghiệm, đây cũng là trường đầu tiên em đăng ký ứng tuyển.
Em khá bất ngờ với kết quả đã đạt được và đưa ra quyết định sẽ theo học tại Trường Đại học Ritsumeikan kỳ Early Decision”.
Có thể nói, để theo đuổi học bổng du học toàn phần của Chính phủ Nhật Bản không phải điều dễ dàng, mà là một chặng đường cạnh tranh dài hơi với nhiều thử thách đối với Khánh An và các ứng viên.
Các ứng viên cần đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu đặt ra như: lý lịch, hồ sơ học thuật, bài luận, thư giới thiệu, chứng nhận hoạt động ngoại khoá và các chứng chỉ ngoại ngữ liên quan.
Khánh An chia sẻ, ban đầu, bản thân em khá lo lắng vì điểm trung bình các môn học (GPA) không quá nổi trội. Trong khi, nhiều anh chị du học sinh chia sẻ rằng, nếu muốn giành học bổng cao, đặc biệt là học bổng của Chính phủ nước sở tại, thì ứng viên càng phải có điểm trung bình các môn học thuộc xếp hạng xuất sắc. Đồng thời, em chưa học Tiếng Nhật, em lo lắng mình sẽ bị một điểm trừ.
Tuy nhiên, khi nhận ra điểm mạnh thiên về các hoạt động xã hội nhân văn, văn hóa, nghệ thuật,…, Khánh An đã tập trung phát huy vào sở trường của mình, đồng thời tự tạo sự tự tin cho bản thân.
Kể về quá trình “săn” học bổng, Khánh An cho biết, em lựa chọn đăng ký tự túc, mà không thông qua trung tâm hỗ trợ du học nào. Vì vậy, nữ sinh phải dành nhiều công sức, tâm huyết để thực hiện bài luận, mặc dù bị giới hạn về thời gian viết.
Bài luận của Khánh An chủ yếu tập trung vào những kinh nghiệm em tích lũy được trong quá trình tham gia các hoạt động ngoại khóa, những bài học tự đúc kết qua từng giai đoạn trong cuộc sống và các mối quan hệ.
Em luôn ghi nhớ lời chị Đinh Thị Thanh Hoa – người sáng lập cộng đồng cung cấp thông tin học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam (Scholarship for Vietnamese Students): “Khi chọn học sinh nhận học bổng, trường không chọn người giỏi, mà chọn người phù hợp”.
Do đó, em luôn cố gắng nhắc nhở bản thân phải kiên trì dành thời gian cho thứ mình thực sự muốn làm, học cách cân bằng điểm số, các hoạt động ngoại khóa, giữ sức khỏe, và giữ các mối quan hệ tốt”, nữ sinh bày tỏ.
Quá trình đăng ký học bổng, cũng có thời gian Khánh An gặp phải áp lực, An phải học cách cân bằng cảm xúc cũng như cân bằng việc học và các hoạt động khác.
“Em cũng mong muốn gửi gắm lời cảm ơn đến gia đình, bạn bè và các anh chị đi trước – những người đã bên cạnh động viên và giúp đỡ em để em có được thành tích hôm nay”, Khánh An bày tỏ.
Nói về kinh nghiệm đăng ký học bổng, Khánh An cho biết, trường sẽ đánh giá học sinh một cách tổng quát và toàn diện với những yếu tố, năng lực khác nhau. Vì thế, không nên quá lo lắng nếu hoạt động ngoại khóa hay điểm số của mình chưa thực sự ấn tượng. Mặt khác, đừng cố gắng “tô vẽ màu hồng” cho hồ sơ của mình.
Hãy học và làm mọi việc vì mình thực sự muốn phát triển bản thân. Hãy thể hiện với nhà trường bằng chính con người thật của mình, kể cả trong đó có những điểm yếu.
Qua đó, nhà trường chắc chắn sẽ tin tưởng vào ứng viên hơn. Đặc biệt, với đặc thù của Nhật Bản, một đất nước rất coi trọng chữ tín và sự trung thực thì điều này vô cùng quan trọng.
Nữ sinh nhận thấy rằng, cái “nguyên bản” của mỗi người là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, với bài luận, An đã viết bằng chính những kinh nghiệm thực tế của bản thân, từ những điều nhỏ bé nhất cho đến các kiến thức mà em tích lũy được.
“Có những câu chuyện có thể không hoàn hảo, nhưng quan trọng là em đã thể hiện sự kiên trì, quyết tâm và nỗ lực hết mình trong từng cơ hội, nỗ lực học hỏi mỗi ngày. Không những vậy, em cũng đặt ra mục tiêu cụ thể và tìm mọi cách sắp xếp được thời gian học tập, trau dồi để đạt mục tiêu đó”, nữ sinh trường chuyên chia sẻ.
Theo sát quá trình học tập và rèn luyện của Khánh An là cô Lê Thị Thanh Tâm – giáo viên dạy môn Toán học, kiêm giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Khối Anh Anh, Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo cô Thanh Tâm, Khánh An là cô học trò luôn cố gắng, nỗ lực trong quá trình học tập và rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, phong trào đoàn thể của trường lớp và hết mình hỗ trợ các thầy cô.
“Em là một học sinh có năng khiếu nghệ thuật, khả năng hội hoạ và âm nhạc. Thời gian đầu, An còn thể hiện rụt rè và nhút nhát, nhưng sau quá trình rèn luyện vươn lên, An đã mạnh dạn hơn trong các hoạt động tập thể, đóng góp cho hoạt động của trường lớp và luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”, cô Thanh Tâm cho biết.
Hành trình học hỏi và khám phá cuộc sống
Nói về lý do quyết định học ngành Giáo dục Đại cương Toàn cầu (Global Liberal Arts – GLA), Đinh Khánh An chia sẻ sự lựa chọn được dẫn lối từ sở thích tham gia các hoạt động văn hoá – xã hội.
“Khoa Giáo dục Đại cương Toàn cầu của Trường Đại học Ritsumeikan có rất nhiều chuyên ngành để ứng viên có thể lựa chọn. Hơn nữa, em mong muốn khi lên đại học sẽ được học sâu hơn về ngành học này. Đây là một cơ hội rất tốt để bản thân có thể tiếp thu những tri thức văn hóa thế giới và mở mang vốn sống phong phú cho bản thân.
Cơ duyên phần lớn bắt nguồn từ việc em thường cùng gia đình tham gia công tác thiện nguyện từ khi còn bé. Mỗi khi lên các vùng cao, em luôn cảm thấy tò mò và ấn tượng về mọi thứ ở nơi đây. Em rất thích được giao lưu với các em nhỏ, người dân địa phương và tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Những năm tháng học tập ở Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm cũng đã “gieo mầm” cho em kỹ năng tranh biện. Nhờ vậy mà em đã có nhiều thay đổi về nhận thức và cách nhìn cuộc sống.
Em may mắn có cơ hội tham gia chương trình The Debaters 2021. Tuy lúc ấy còn khá bỡ ngỡ và rụt rè, nhưng đây là sân chơi đầu tiên giúp em được tiếp xúc nhiều hơn với các vấn đề toàn cầu và những mối quan hệ xã hội.
Chính vì vậy, em lựa chọn học tại Khoa Giáo dục Đại cương Toàn cầu của Trường Đại học Ritsumeikan để tiếp tục phát huy những năng lực, sở trường và sở thích của mình ”, Khánh An bày tỏ.
Khi học ở Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại Ngữ, Khánh An có cơ duyên cùng những người bạn, thầy cô giáo, hợp tác với tổ chức giáo dục nước ngoài để mở trại hè dạy tranh biện tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ.
Vì là những hoạt động giáo dục phi lợi nhuận, An đã tập hợp nhóm tổ chức để lên kế hoạch gây quỹ bán đồ tái sử dụng làm từ nhựa và đồ thủ công. Với số tiền thu được, nhóm sử dụng phục vụ cho việc xây dựng và phát triển trại hè.
Nữ sinh cho biết, em cảm thấy hạnh phúc và có thêm động lực khi mình làm được nhiều công việc ý nghĩa, lan tỏa niềm vui tới mọi người xung quanh, đặc biệt khi nhìn trẻ em vùng cao có thêm điều kiện để học tập, tiến bộ lên từng ngày.
Kể về kỉ niệm đáng nhớ, Khánh An cho hay, có câu nói của một phụ huynh khiến em nhớ mãi: “Cả đời cô không biết nói tiếng Anh, nên cô rất vui khi thấy em giao tiếp tự tin như vậy”. Với An, đây là nguồn động lực để bản thân học hỏi nhiều hơn, khám phá bức tranh muôn màu của cuộc sống.
Đạt được thành tích Học bổng toàn phần, với nữ sinh này là hành trình khám phá và tin tưởng bản thân.
“Mặc dù hành trình phía trước còn nhiều thử thách, nhưng em luôn tự dặn thực hiện theo quy tắc “tâm hồn – cơ thể – tâm trí” (Soul – Body – Mind) mà mẹ đã dạy.
Bất kỳ công việc nào muốn có kết quả tốt thì ba tiêu chí này cần đảm bảo trong một thời gian đủ dài, quan trọng là có niềm tin vào bản thân và không ngừng phấn đấu, để phiên bản của chính mình ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua”, Khánh An tâm sự
Đó là điều giúp An có tinh thần thoải mái và tư tưởng độc lập hơn cuộc sống, cũng là động lực để An tiếp tục cố gắng nỗ lực hơn trong quá trình học tập và rèn luyện trong hành trình tiếp theo.
Hằng năm, khu vực Đông Nam Á có 6 suất học bổng toàn phần được Khoa Giáo dục Đại cương Toàn cầu (tên tiếng Anh là Global Liberal Arts – GLA) tiến cử Học bổng toàn phần Chính phủ Nhật Bản (MEXT). Học bổng toàn phần cung cấp học phí trong 4 năm học, chi phí sinh hoạt hàng tháng và tiền vé máy bay từ nước sở tại kèm vé máy bay khứ hồi.
Sinh viên Khoa Giáo dục Đại cương Toàn cầu (Global Liberal Arts – GLA) sẽ được học theo chương trình bằng kép giữa Trường Đại học Ritsumeikan và Trường Đại học Quốc gia Úc – Trường Đại học được xếp hạng số 1 ở Úc và thứ 29 trên thế giới.
Với chương trình gồm ba năm đầu học tập ở đất nước Mặt trời mọc và một năm cuối tại xứ sở chuột túi, Khoa giúp du học sinh có thể tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu và trải nghiệm trong hai môi trường khác nhau.
Lưu Diễm
Đăng lại theo Báo Giáo dục: https://giaoduc.net.vn/nu-sinh-thpt-chuyen-ngoai-ngu-gianh-hoc-bong-toan-phan-chinh-phu-nhat-ban-post240829.gd