Lan tỏa văn hóa đọc sách đối với học sinh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ

Barack Obama từng nói: “Vào khoảnh khắc mà chúng ta thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn”. Bởi lẽ rất đơn giản, cả một thế giới sách trong thư viện khổng lồ mở ra. Ở đó, mỗi người sẽ tìm ra câu trả lời cho những băn khoăn, căn vặn của mình về cuộc sống, về chính mình.

Quan trọng là thế, nhưng thói quen đọc sách chưa được hình thành thường xuyên trong nhu cầu của học sinh. Với áp lực thông tin từ mạng lưới internet, sự quan tâm dành cho các cuốn sách có phần hời hợt hơn. Hình ảnh học sinh tĩnh lặng nghiền ngẫm trước trang sách thơm mùi giấy, thích thú tìm tòi những điều mới mẻ trong trang viết dần dần ít hơn.

Với ý nghĩa đánh thức và lan tỏa văn hóa đọc, Ban Giám hiệu trường Đại học Ngoại ngữ đã chỉ đạo trung tâm thư viện và các đơn vị khác trực thuộc Đại học Ngoại ngữ đẩy mạnh hoạt động đọc sách. Bộ môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Ngoại ngữ nhanh chóng lên kế hoạch, triển khai đồng bộ trong khối 10 dự án “Niềm vui đọc sách”.

“Niềm vui đọc sách” được xây dựng để tăng cường hứng thú của học sinh, định hướng cách đọc và chia sẻ vốn đọc. Mỗi lớp chia thành các nhóm nhỏ (theo thể loại). Từ các nhóm nhỏ, trên cơ sở tương tác về cuốn sách của nhau, học sinh trong nhóm chọn ra cuốn sách của nhóm mình. Sách được chọn sẽ được cả nhóm đọc kĩ càng để chuẩn bị cho việc mô phỏng bằng tranh vẽ, thuyết trình, thảo luận về các vấn đề đặt ra trong cuốn sách. Cuốn sách mà nhóm chọn được sống trong một môi trường đặc biệt: vừa sinh động hóa vừa chuyên sâu hóa. Từ các cuốn “sách nhóm”, học sinh thống nhất chọn lọc tiếp một cuốn “sách cái” (còn gọi là “sách đinh” – tên gọi có tính quy ước) để tiếp tục cùng giáo viên trao đổi, bàn luận. Kết thúc dự án “Niềm vui đọc sách” là một bài viết thu hoạch đòi hỏi học sinh trình bày, đánh giá về bài học cuộc sống mà cuốn “sách cái” đặt ra hoặc ấn tượng, cảm xúc về cuốn sách mà học sinh đó chọn ngay từ đầu.

Với hình thức triển khai như vậy, giáo viên có thể kiểm tra mức độ tương tác của học sinh qua việc hỏi về cuốn sách mà bạn cùng nhóm đã chọn. Hơn nữa, qua việc vẽ tranh, thuyết trình, trưng bày sách, thảo luận, giáo viên có thể đánh giá được các kĩ năng toàn diện của học sinh. Các năng lực nghe – nói – đọc – viết đều được huy động trong hoạt động này. Việc đánh giá học sinh không trở nên cứng nhắc, một chiều mà rất linh hoạt và đa diện.

Học sinh Chuyên Ngoại ngữ thực sự rất thông minh, sáng tạo. Một khi được khơi nguồn cảm hứng, được định hướng tiếp cận, các em tạo ra sản phẩm văn hóa chất lượng và ấn tượng. Học sinh đã biến phần thuyết trình thành một talk show hấp dẫn và sâu sắc. Học sinh đã dùng hình thức tranh biện để tung ra các góc nhìn khác nhau về cuốn sách. Năng khiếu tổ chức được kích hoạt, khả năng nói trước đám đông và tinh thần làm việc nhóm được thể hiện. Qua việc lựa chọn sách, có thể thấy, học sinh ưu tiên chọn các cuốn sách về giới trẻ, học đường, kĩ năng sống. Tiểu thuyết trinh thám của phương Tây và một số truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng dành được sự quan tâm. Đây cũng là một kênh để giáo viên hiểu hơn về suy nghĩ và tâm lí học sinh.

Trong hoạt động này, giáo viên dần dần cũng được học sinh cuốn vào cuộc chơi. Giáo viên trở thành người bạn cùng đọc, cùng suy nghĩ với học sinh. Mỗi cuốn sách không chỉ mở ra chân trời mới đối với học sinh, mà còn mang đến sự mới mẻ đối với người dạy học.

Từ quy mô các nhóm trong lớp học, từ hoạt động có tính phong trào, học sinh dần nhận ra ý nghĩa sâu sắc của việc đọc sách. Kết thúc dự án đọc sách, ở một số lớp, các em bắt đầu xây dựng hoạt động đọc bền vững và dài hơi hơn. Một số học sinh khác có nhu cầu kết nối các lớp để xây dựng dự án đọc trong cộng đồng học sinh Chuyên Ngoại ngữ. Như thế, điều quan trọng nhất mà hoạt động đọc đạt được, trước hết là tạo cảm hứng cho học sinh và lan tỏa được niềm vui đọc sách. Nguồn hứng thú này sẽ là khởi đầu cho mọi dự định tiếp theo.

Hi vọng rằng, hoạt động đọc sẽ ngày càng được nhân rộng trong học sinh trường THPT chuyên Ngoại ngữ.

*Một số hình ảnh của dự án “Niềm vui đọc sách”:

Tin bài: Hồ Giang, GV Ngữ văn

FLSS Media