Đêm “Sân khấu hóa tác phẩm Văn học” – Một cách học văn ở Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ

Thấm thoát đã 10 năm (2002-2012) kể từ khi TS. Nguyễn Quang Trung (Tổ trưởng Tổ Xã hội – Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ – ĐHNN – ĐHQG Hà Nội) tìm ra một phương pháp dạy văn mới và đặt tên cho đứa con tinh thần ấy là TRẢ TÁC PHẨM CHO HỌC SINH – tức là trả tình yêu văn học cho các em. Đưa phương pháp này vào giảng dạy, các thầy cô giáo Nhóm Văn – Tổ Xã hội – Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ nhận lại được từ các em những ánh mắt long lanh hạnh phúc, nhận lại được từ phía nhà trường sự ủng hộ đầy ý nghĩa, nhận được sự khẳng định tốt đẹp từ phía các cơ quan báo chí, truyền hình từ Trung ương đến địa phương… Chương trình SÂN KHẤU HÓA TÁC PHẨM VĂN HỌC đêm 14.11.2012 là sự kế tiếp thành công của đêm hội VĂN NGHỆ DÂN GIAN cách đây 5 năm và là một phần của phương pháp ấy.

Sự xuống dốc của văn hoá đọc đang là một nguy cơ toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong nhà trường, học sinh học văn nhưng không đọc tác phẩm văn, chỉ học thuộc bài giảng của thầy cốt để thi đỗ. Cách học ấy khiến văn bản biến mất, học sinh biến mất, mục tiêu lớn của giáo dục là đào tạo con người cũng biến mất. Phương pháp TRẢ TÁC PHẨM CHO HỌC SINH thực chất là hành trình ngược dòng tìm lại cái đã mất. Toàn bộ bí quyết cũng như tính khoa học và nghệ thuật sư phạm của nó nằm ở chữ TRẢ: trả học sinh về với văn bản, trả người đọc về với tác phẩm, trả cá về với nước, và bao quát nhất là trả việc học văn dạy văn về đúng quy luật và bản chất của nó. Nội hàm của chữ TRẢ là việc thầy trao tác phẩm cho học trò, hướng dẫn trò tự khám phá tác phẩm rồi trình bày trong hai tiết trên lớp: diễn một tiểu phẩm khoảng 10 phút, viết một tiểu luận vài chục trang, hội thảo về tác phẩm. Điều thú vị là tất cả được tổ chức như một sự kiện, một trò chơi văn hóa trí tuệ sinh động, hấp dẫn. . Chữ TRẢ đánh thức dậy tất cả những gì tốt đẹp nhất ở học trò: con người khoa học (say mê nghiên cứu khám phá tác phẩm văn học), con người nghệ sĩ (được thể hiện những rung cảm thẩm mĩ qua việc diễn xuất sân khấu), con người biết liên kết làm việc trong một tập thể nhóm, tổ, lớp, biết thuyết trình trước đám đông, biết tổ chức một sự kiện có tính khoa học và nghệ thuật, và qua công việc, các em hiểu nhau và yêu quý nhau hơn, công việc kết các em lại thành một khối… Như vậy, rõ ràng: sứ mệnh nhân văn lớn lao của người giáo viên chủ yếu không phải là ở chỗ gieo cấy mà là chỗ đánh thức–  đánh thức trí tuệ và tâm hồn học sinh, đánh thức bản chất người trong chính con người. Khởi đầu của môn ngữ văn, và cũng là con đường đổi mới cơ bản của phương pháp dạy học văn là khâu đọc văn. Đêm SÂN KHẤU HÓA TÁC PHẨM VĂN HỌC thể hiện một cách đọc văn của học sinh Chuyên ngữ – một cách đọc chủ động, tích cực, sáng tạo, nghệ sĩ, học sinh không chỉ thâm nhập mà sống cùng tác phẩm, thậm chí trở thành tác phẩm bằng toàn bộ con người mình (con người lí trí và cảm xúc), phá vỡ sự ngăn cách giữa học sinh và tác phẩm văn học. Cho nên chương trình này không phải là một đêm văn nghệ thuần túy, nó là một cách đọc văn, học văn “kiểu Chuyên ngữ” như chính các em tôn xưng.Sân khấu vừa là sàn diễn, vừa là lớp học, là nơi các em được nghiêng ngả cùng tiếng trống chèo Quan Âm Thị Kính, được bốc cháy cùng ngọn lửa oan nghiệt và cũng là ngọn lửa minh oan trong đoạn tríchRama buộc tội, được nức nở cùng tiếng khóc xuyên qua bao thế kỉ của nàng công chúa Mỵ Châu xinh đẹp nhưng “Trái tim lầm chỗ để trên đầu” (Tố Hữu), được háo hức cùng tráng sĩ Đăm Săn chặt cây, chém núi để đi bắt Nữ thần Mặt trời về làm vợ, được hào sảng cùng Bình Ngô đại cáo bất hủ, được quặn đau cùng số phận của anh nông dân bất hạnh Chí Phèo, được xót xa cùng những mối tình ngang trái trong những vần thơ chân quê Nguyễn Bính… Vượt lên trên những vụng dại về diễn xuất của các diễn viên không chuyên, những thiếu thốn về đạo cụ, trang phục là một niềm đam mê bất tận của sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo.

Tổ Xã hội kết hợp với Liên chi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ được BGH nhà trường trao cho nhiệm vụ tổ chức đêm SÂN KHẤU HÓA TÁC PHẨM VĂN HỌC. Đây là dịp kỉ niệm 10 năm thực hiện phương pháp TRẢ TÁC PHẨM CHO HỌC SINH của tổ Xã hội, là dịp khẳng định việc đổi mới phương pháp dạy và học đã góp phần làm nên uy tín của trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ, đồng thời cũng là dịp kỉ niệm ngày Nhà giáo VN 20/11. Sau 1 tháng trời náo nức chuẩn bị, 13 tiết mục đặc sắc đã được lựa chọn thi tài trong đêm chung kết 14/11/2012 tại Nhà hát Quân đội (đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy). Đêm diễn đã có tiếng vang lớn trong dư luận xã hội, được thông tin một cách đầy hào hứng trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài truyền hình Việt Nam VTV1, VTV2,VTC1, báo Giáo dục và thời đại, các báo mạng…). Làm nên thành công ấy là sức mạnh tổng hợp từ nhiều phía: sự quan tâm của trường ĐHNN, sự ủng hộ nhiệt tình của BGH Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, các thầy cô giáo (đặc biệt là giáo viên Ngữ văn và các giáo viên chủ nhiệm), Hội phụ huynh, sự đam mê học tập đầy sáng tạo của học sinh. Cần phải khẳng định sự quan tâm đến giáo dục của các nhà tài trợ đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của đêm SÂN KHẤU HÓA TÁC PHẨM VĂN HỌC như Khoa Quốc tế – ĐHQG Hà Nội, Siêu thị Điện máy – Máy tính Trần Anh, Công ty Cổ phần  Giáo dục Next Nobel, Ủy ban Phường Dịch Vọng Hậu, bà Đoan Trang – phụ huynh học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ…

Một xã hội quan tâm đến giáo dục là một xã hội tiến bộ và lành mạnh. Từ sự thành công trên, Ban Tổ chức sẽ rút ra những bài học bổ ích để tiếp tục có những đêm diễn đạt hiệu quả cao hơn, để phương pháp Trả tác phẩm cho học sinh ngày càng hoàn thiện, để việc đổi mới phương pháp dạy và học Ngữ văn ở Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ ngày càng đáp ứng những mục tiêu lớn của giáo dục Việt Nam thời hội nhập.

 Ban Tổ chức chương trình SKHTPVH