Báo QĐND: Mỗi giờ học văn là một cuộc chơi

Quân đội Nhân dân (9/12/2011) – Hơn 30 năm đứng lớp, người thầy dạy văn ấy luôn trăn trở về một phương pháp dạy học làm sao để truyền đam mê văn học cho học sinh. Mày mò nghiên cứu, thầy sáng tạo ra một phương pháp dạy học mới mang tên: “Trả tác phẩm cho học sinh”. Thầy giáo Nguyễn Quang Trung, Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) quan niệm: Hãy coi mỗi tiết học văn là một “cuộc chơi” văn hóa mang giá trị nghệ thuật.

Yêu những tiết học văn

“Trả tác phẩm cho học sinh” là những buổi chiều tập kịch rải rác từ lớp này sang lớp khác, hành lang này đến hành lang khác, có lúc là giữa những chiếc xe ô tô, những giây phút phá lên cười bởi một cảnh quay hỏng hay hành động pha trò. Đó là niềm vui, giọt nước mắt, những chướng ngại vật mà chúng ta đã vượt qua… Cảm ơn thầy cô đã giúp chúng em có cơ hội thử sức mình với phương pháp học văn mới”; “Trả tác phẩm”, giúp bọn em phát huy năng lực bản thân, sức mạnh của kỹ năng làm việc nhóm và trở thành một gia đình. Chương trình đưa chúng em lại gần nhau, tạo cơ hội để sáng tạo, thể hiện quan điểm của mình về tác phẩm văn học”… Đó là tâm sự của các em học sinh Trường THPT chuyên Ngoại ngữ sau mỗi tiết học văn theo phương pháp mới do thầy Nguyễn Quang Trung sáng tạo. Từ khi phương pháp này đưa vào dạy và học văn trong Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, các học sinh hào hứng hẳn, kết quả học tập môn văn cũng tiến bộ trông thấy.

Tôi đã hòa mình vào một số tiết học văn theo phương pháp “Trả tác phẩm cho học sinh” đang được phổ biến rộng rãi trong trường. Quả thật, những tiết học văn rất sôi động. Học sinh Lớp 11A đã lựa chọn tác phẩm “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam) mà theo đánh giá của thầy Trung là rất khó diễn, bởi vở kịch phải có cốt truyện, nhân vật, nhưng câu chuyện chỉ có những dòng chảy tâm trạng, loáng thoáng nhân vật xuất hiện chập chờn trong đêm tối. Thật bất ngờ, các em đã thể hiện tiết mục rất thành công. Một tấm màn đen mỏng che phủ phía trước, tất cả cuộc sống diễn ra sau tấm màn mỏng đó là những con người đi lại, làm việc như cái bóng, như cá thể bị ném vung vãi trong cuộc sống tù đọng, không tiếng nói, không âm thanh. Rồi khát vọng xóa tan bóng tối bùng lên, cả đoàn người tập hợp lại, cố sức kéo, xé rách lớp màn mỏng nhưng đành buông tay bất lực trở về lầm lũi trong bóng đêm… Nhiều học sinh bật khóc. Thầy Trung chia sẻ: “Những cách diễn tả như vậy tác động vào cảm xúc rất lớn. Tiểu phẩm không chỉ là diễn cho vui, không phải là “phụ gia” giúp tiết văn thêm thú vị mà là tác phẩm bằng chính con người, thế giới tâm hồn học sinh”.

Trong quá trình giảng dạy, thầy ấn tượng nhất với cô học sinh Cao Hồng Hạnh, cựu học sinh của trường. Hạnh cá tính, đa tài, coi trọng sáng tạo. Có lần, Hạnh nộp bài kiểm tra văn bằng… một bài thơ. Với phương pháp học mới, Hạnh đạo diễn sân khấu hóa không chỉ mô phỏng mà luôn sáng tạo lại tác phẩm đó. Có lần, Hạnh diễn tả tâm lý giằng xé của Thúy Kiều đoạn trích “Trao duyên” (Truyện Kiều – Nguyễn Du) bằng cách cho nhân vật Thúy Kiều chao đảo giữa hai dải lụa kéo về 4 phía. Phía dưới, có “khán giả” sụt sịt khóc.

Truyền “hơi thở” văn chương bằng phương pháp mới

Tôi bất ngờ khi nghe thầy Trung bảo khát vọng của thầy xưa nay không hướng đến ngành giáo dục và không phải trở thành một thầy giáo đứng trên bục giảng. Có lẽ, vẻ đào hoa phong nhã khiến thầy thích được ngao du khắp nơi, gặp gỡ nhiều người, sáng tác những áng văn chương để lại dấu ấn, tên tuổi. Bởi với thầy, cuộc đời là một “cuộc chơi” và những tiết dạy văn cũng là “cuộc chơi” văn hóa có giá trị nghệ thuật. Nhưng sau hơn 30 năm đứng lớp, gắn bó với bao thế hệ học trò, thầy nghiệm ra đó là cái nghiệp. Có hai thứ gắn thầy với nghiệp nhà giáo là tình cảm bao la với học sinh và sự say mê các tác phẩm văn chương.

Quan niệm học trò là “túi chứa” tất cả những kiến thức của thầy giáo khiến tiết học văn rất “mệt mỏi”. Làm sao để kiến tạo những giờ dạy học văn hiệu quả? Làm sao để học sinh thích thú học văn, “tự mình” khám phá cái hay, cái đẹp của tác phẩm? Cách dạy “thầy đọc, trò chép” với những bước lên lớp truyền thống “chưa đủ sức” đáp ứng được yêu cầu ấy. Trăn trở, tìm tòi, suy ngẫm, thầy cho ra đời những giờ dạy học văn theo ý tưởng mới – Trả lại tác phẩm cho học sinh. Thay vì chỉ ngồi nghe thầy giảng, học sinh sẽ “học” bằng cách tự mình nhập vai, tái hiện và “sống” cùng tác phẩm. Thấy học sinh say mê, thích thú và động viên “luôn ủng hộ phương pháp”, thầy Trung càng quyết tâm áp dụng phương pháp mới vào các tiết học.

Năm 2007, phương pháp “Trả tác phẩm cho học sinh” được lãnh đạo Trường THPT chuyên Ngoại ngữ nhìn nhận và đánh giá cao, chính thức áp dụng rộng rãi và trở thành phương pháp dạy văn mở để đánh thức bản ngã, khả năng sáng tạo của học sinh.

Mỗi tiết học kéo dài từ 45 đến 90 phút, học sinh được tìm hiểu kỹ về tác phẩm bằng nhiều hoạt động: Tham khảo tài liệu liên quan đến tác phẩm, trực tiếp hóa thân vào nhân vật để tái hiện tác phẩm, hội thảo khám phá chiều sâu tác phẩm… Các thầy cô sẽ định hướng cách hiểu đúng đắn cho học sinh. Để dựng hình, các em vận dụng tối đa sự sáng tạo của mình: Khung cửi của Mỵ (Vợ chồng A Phủ) được “chế tác” từ pê-đan xe đạp cũ. Thi vị hóa sân trường trong đợt ngập lụt của Thủ đô năm 2008 bằng cách giội nước tạo sóng, lồng tiếng sóng và sáng tạo hình ảnh con thuyền lênh đênh khi tái hiện “Sóng” (Xuân Quỳnh), dựng một ban công giả bằng xốp vẽ hình gắn trên bàn giáo viên, sử dụng đèn pin để thay ánh sáng trong đêm với tác phẩm “Romeo và Juliet”…

Công phu hơn, có nhóm còn trực tiếp phỏng vấn các tác giả, nhà nghiên cứu trong quá trình làm tài liệu như: Nhà văn Tô Hoài, Kim Lân… Kịch luôn đặt tiêu chí “nhanh, rẻ, sáng tạo”, tuy chỉ là “cây nhà lá vườn” nhưng càng làm học sinh “khoái” môn văn hơn. Hôm học tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ), thầy mời nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ đến dự. Chị rất tâm đắc với cách so sánh và quan điểm của các em học sinh về văn bản gốc lúc nhà thơ Lưu Quang Vũ vừa mất và văn bản gần đây nhất: Bản mới bay bổng hơn nhưng đã làm mất đi cái gồ ghề, hơi thở, cá tính bụi bặm của đời sống trong ý thơ của tác giả. Chị cho rằng, phương pháp này cần duy trì để nâng cao khả năng nghiên cứu và trình bày của học sinh ngay từ những năm phổ thông. Thầy Trung cười: “Tất cả mô hình nằm ở chữ “Trả”. Trả tác phẩm sẽ đánh thức nhiều con người trong mỗi học sinh như con người lý trí, con người tình cảm, con người khoa học, con người nghệ sĩ, để học sinh tự phát huy kỹ năng sống, năng lực liên kết làm việc, năng lực xử lý, tranh luận vấn đề chung. Cùng làm việc nhóm, các em hiểu nhau và quý mến nhau hơn”.

Học văn-học làm người

“Với chúng em, học văn học là để biết yêu thương. Ta tìm hiểu tình yêu bi ai của Thúy Kiều, tìm hiểu về xã hội tăm tối của Lão Hạc… để hiểu hơn về đời sống tâm hồn của một lớp người. Thương, khóc, cảm nhận và trân trọng cuộc sống hiện tại. Tất cả chúng em nhận ra những giá trị ấy và hơn hết, chúng em đã biết yêu thương, đoàn kết để vươn lên, giúp nhau trong học tập” – học sinh Nguyễn Khánh Linh cho tôi hay. Cứ thế, qua mỗi một tiết học, lòng tâm huyết của thầy bồi đắp dần tâm hồn các học sinh, để rồi mai đây, các em sẽ lớn thành người. Đến tận bây giờ, học sinh Phúc (Lớp 12D khóa 1998 – 1999) vẫn luôn tâm niệm lời thầy dạy, “cảm hóa” em từ ngỗ nghịch nhất lớp thành học trò ngoan, thi đỗ cùng lúc 2 trường đại học.

Trải nghiệm phương pháp học mới, các học sinh được sống trong không khí cổ xưa để cảm nhận tình yêu chân thành của Mỵ Châu thời An Dương Vương dựng nước qua tiểu phẩm “Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy”; nghẹn ngào thổn thức cùng nỗi đau của Kiều trong bi kịch “Trao duyên”; khắc khoải với giấc mơ hoàn lương và khao khát hạnh phúc của Chí Phèo (Nam Cao); thả mình trong tiếng cười trào phúng sâu cay của Vũ Trọng Phụng trong “Hạnh phúc của một tang gia”…

Sống cùng tác phẩm, thấu cảm với nhân vật về những hạnh phúc, nỗi đau, bất hạnh… chính là cách thầy muốn đánh thức bản ngã, tình yêu thương trong con người mỗi học sinh. Với thầy, “Học trò như ngọn nến và người giáo viên như những que diêm để đánh thức con người toàn diện của các em”.

Chia tay thầy Trung, để “trả” thầy cho những tiết học văn bổ ích, tôi chợt nhớ lại về tiết học văn mà tôi được trải nghiệm. Có lẽ, để tạo cho học sinh những niềm đam mê thực sự, hãy để các em sống với tác phẩm, cảm nhận tác phẩm chứ không phải “của thầy cho trò” như trước đây. Tiếng thầy Trung văng vẳng bên tôi: Về nguyên tắc, các mô hình đều hướng tới đánh thức khả năng học sinh. Món quà quý giá nhất cho sự nghiệp giảng dạy của tôi là truyền cảm hứng văn học và khơi dậy ngọn lửa trong mỗi học sinh.

 Hồng Tâm