Cho một sảnh gạch đầy nắng

       1. – Ê mày. Hôm nay là ngày bao nhiêu rồi?

Tôi mở điện thoại, bật phần mềm đếm ngược. 55 ngày….

– Thế à? Nhanh quá.

Không biết từ khi nào những câu hỏi như thế đã thành thông lệ và đếm ngược đã thành một thói quen với những người bạn trong lớp tôi. Kim đồng hồ trên mặt điện thoại cứ chầm chậm quay ngược, tích…. tắc…. tích…. tắc…., đều đặn im lìm như thể đang chờ đợi vòng quay ấy sẽ dừng lại. Tôi tự hỏi, khi vòng quay ấy kết thúc điều gì sẽ xảy ra?…

            2. Lục lại tất cả ảnh trong folder mang tên “Chuyên Ngữ”.

            Tôi có thói quen lưu giữ rất nhiều ảnh, ảnh bạn bè, sự kiện, thầy cô. Ảnh của ba năm cũng gần như đủ cả. Tôi chợt nhớ những ngày đầu tiên vào trường, mặc trên mình chiếc áo 10+ rộng thùng thình. Đêm night 10+, tôi ngồi bệt trên sân trường giữa hàng trăm con người và khóc như một đứa trẻ thơ khi nghe IC nói: “3 năm ở Chuyên Ngữ, các em sẽ thấy mình  cho đi và nhận lại được nhiều lắm!” Giờ ngẫm lại, Ồ! Hóa ra bao lâu nay ta đã có với Chuyên Ngữ biết bao cái duyên và cả những cái nợ. Đến bây giờ, khi thời gian ở lại chỉ còn như những cơn gió cuối thu – ngắn và lặng lẽ, ta vẫn chưa đền đáp được hết cái duyên và trả hết những cái nợ ấy…. Mà Chuyên Ngữ đâu chỉ vỏn vẹn trong chữ duyên hay nợ nhỉ. Ừm…. thế Chuyên Ngữ trong tôi là gì?

            Chuyên Ngữ của tôi trước hết là Chuyên Ngữ với những thầy cô thật tuyệt vời. Có lẽ tôi không thể tìm đâu ra những tờ bài tập toán được “tặng kèm” một bài thơ, bài hát về tình yêu tuổi trẻ, hay những tiết văn tràn đầy sức sống qua các tiểu phẩm và thảo luận bằng phương pháp “Trả tác phẩm cho học sinh”. Các thầy cô lúc nào cũng nghiêm túc khiến chúng tôi phải học hành thật chăm chỉ, nhưng có lúc những người cha người mẹ ấy lại tâm lí, động viên, chia sẻ với chúng tôi mọi vấn đề trong cuộc sống. Tôi nhớ những khi kiểm tra bài tập về nhà, thầy cô kĩ tính và khắt khe lắm, nhưng vào những ngày đặc biệt lại sẵn sàng hát tặng lớp một bài hát yêu thích. Mà không chỉ hát thôi đâu, thầy cô của mình còn rất nhiều tài lẻ nữa, nào là kể chuyện cười, múa truyền thống và cả múa đương đại! Sắp ra trường rồi, có lẽ tôi sẽ nhớ lắm điệu múa Trở Về Tuổi Thơ của thầy giáo dạy Toán…

            Chuyên Ngữ của tôi còn là Chuyên Ngữ với những người bạn tuyệt vời. Chuyên Ngữ nhỏ lắm nên làm quen mọi người thật dễ, thậm chí dù khác tuổi vẫn luôn niềm nở chào hỏi nhau trên sân trường. Có lẽ tôi sẽ nhớ nhất những buổi trưa rôm rả ở sảnh gạch, trò chuyện về những bài kiểm tra sắp tới, và cả những lúc đứng một góc hành lang đầy nắng đưa mắt ra sân trường tìm kiếm một bóng hình thật thân quen…. 3 năm…. Thời gian không dài nhưng cũng đủ để có những mối quan hệ khác nhau. Mỗi người họ là một mảnh ghép đơn lẻ nhưng không thể thiếu trong bức tranh Chuyên Ngữ nhiều màu sắc, vẽ nên một cuộc sống đa chiều sống động, một thế giới thu nhỏ trong khoảng trời hình chữ nhật. Họ dạy tôi cách sống trong mọi người, với mọi người và vì mọi người, một điều không phải nơi nào cũng dạy được chúng ta.

            Đến bây giờ, khi mỗi người đều đang xác định cho mình những hướng đi riêng, những con đường độc lập, thì những phút giây ngồi lại sảnh gạch bỗng trở nên thưa thớt đến trống vắng. Những lúc rảnh tôi lại ngồi xuống bệ đá cạnh bình nước ở sảnh, thi thoảng gặp thầy cô đi qua, nhìn mình mỉm cười thật ấm áp. Những lúc ấy tôi lại tự hỏi, 3 năm đi học, đã bao giờ tôi nói được một lời cảm ơn thầy cô vì tất cả sự hi sinh và tận tụy của thầy cô dành cho Chuyên Ngữ? Hay chỉ bày trò nghịch ngợm, đôi khi quên vở, quên làm bài tập làm thầy cô buồn?  Mà có lẽ không chỉ cảm ơn thầy cô, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới cả mái trường Chuyên Ngữ, vì đến giờ phút này, tôi mới thấm câu nói của một anh cựu học sinh khi anh đang là sinh viên năm nhất: “Sẽ chẳng nơi đâu bằng Chuyên Ngữ đâu em ạ”. Đúng thế, làm gì có nơi đâu vài người bạn cùng xì xụp một bát mì tôm chanh, làm gì có nơi đâu cô trò dành cả tối tâm sự thật tình cảm, làm gì có nơi đâu như thế….. Nhờ có Chuyên Ngữ mà tôi đã hiểu rằng, cuộc sống không phải một màu hồng, sẽ có lúc ta gặp khó khăn, ta vấp ngã, ta phải chùn chân. Nhưng ta hoàn toàn có thể đứng dậy, vượt qua và tiến bước nếu xung quanh ta có những người luôn sát cánh và ủng hộ ta, cho ta tình cảm và bước đệm vững chắc để vươn lên trong cuộc sống.

3. Ra trường không có nghĩa là tạm biệt trường mãi mãi. Chúng ta đều hiểu “Chia li rồi hội ngộ”, có thể vài tháng, vài năm hay thậm chí vài chục năm sau, ta sẽ lại quay về nơi ấy, ngồi lại nơi sảnh gạch ngập nắng, nhìn lên cầu thang với chiếc gương “huyền thoại”, lòng thầm nhủ “Ta lại được về nhà”.

4. Đầu lớp 10, tôi đã dốc cạn lòng mình viết hết những cảm xúc khi mới vào trường. Những bỡ ngỡ, những xúc động đều thật lòng đến mức làm cho bài văn lủng củng và thiếu mạch lạc.

            Cuối lớp 12, một lần nữa tôi lại dốc hết cảm xúc để viết đôi dòng trước khi ra trường, có lẽ bài văn vẫn thật lủng củng như thế. Nhưng đây là lần cuối được “lủng củng” một cách thật lòng như vậy, “lủng củng” để dành tặng Chuyên Ngữ.

            Mở điện thoại, bật phần mềm đếm ngược. 54 ngày….

            Rồi mình sẽ gặp lại nhau, Chuyên Ngữ nhé!

 Nguyễn Thị Hồng Anh – A44