Từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc – hành trình theo bước chân những người chiến sĩ của học sinh K53

Trong hai ngày 02 và 03/3/2023, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã tổ chức Chương trình học tập trải nghiệm môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân cho học sinh khối 11 (K53) tại cái nôi của lịch sử cách mạng Việt Nam – chiến khu Việt Bắc với điểm dừng chân là Thái Nguyên và Tuyên Quang. Bắt đầu từ năm học 2021-2022, chương trình trở thành một hoạt động giáo dục thường niên được học sinh đón nhận và hào hứng tham gia. 

Dẫn đoàn tham quan – học tập năm nay có Ban Giám hiệu Nhà trường, thầy cô giáo phụ trách môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, giáo viên chủ nhiệm lớp K53, cố vấn Đoàn cùng toàn thể học sinh khối 11 (K53) Trường Chuyên Ngoại ngữ.

5h30 sáng – nụ cười trước giờ khởi hành, háo hức đón chờ hành trình thú vị

1. 5h30 sáng ngày 02/3, học sinh đã tập trung đầy đủ để lên xe khởi hành. Sau gần ba tiếng di chuyển, Đoàn cán bộ giáo viên và học sinh Chuyên Ngoại ngữ có mặt tại Khu di tích An toàn khu Tân Trào, chính thức bắt đầu cuộc hành trình khám phá vùng đất chiến khu Việt Bắc – quê hương cách mạng. Tại đây, đoàn đã làm lễ dâng hương tưởng nhớ các vị anh hùng cách mạng, cũng như lắng nghe hướng dẫn viên thuyết minh về khu di tích.

Thầy và trò tập trung trước Khu tưởng niệm…

… thành kính bày tỏ tấm lòng biết ơn trước anh linh các chiến sĩ cách mạng

Sau lễ dâng hương, đoàn lần lượt tham quan các địa danh tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Tại đây, Đoàn đi thăm lán Nà Nưa là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến 22/8/1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8, đình Tân Trào nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17/8/1945) – đại hội được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta, tại đây các đại biểu Quốc dân đại hội đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng và cử ra Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Học sinh lắng nghe thuyết minh tại Đình Tân Trào

Sau đó, học sinh được đến thăm cây đa Tân Trào – nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số 1 vào chiều 16/8/1945 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội. Qua Hồ Nà Nưa, học sinh ghé thăm lán Nà Nưa – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8/1945 để chỉ đạo việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa.

Khung cảnh trên đường vào lán Nà Nưa

Bước theo dấu chân những người cách mạng

Học sinh chăm chú nghe thuyết minh tại lán Nà Nưa, chủ động ghi âm và ghi hình

2. Sau An toàn khu Tân Trào, chiều cùng ngày, đoàn ghé thăm Khu di tích An toàn khu Định Hóa – Thái Nguyên, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. ATK Định Hóa là một khu di tích rộng lớn, là vùng lõi của chiến khu Việt Bắc, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Đây là vùng rừng núi điệp trùng, hiểm trở và cũng rất kín đáo, có lợi thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (Tiến có thể đánh, lui có thể giữ) nên được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ 1947-1954.

Thành kính dâng hương trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu di tích gồm 13 di tích thành phần, nơi học sinh khối 11 Chuyên Ngoại ngữ được dâng hương tại Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh, tham quan lán Tỉn Keo, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa – nơi ở và làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1948 đến năm 1954. Tại đây, Người đã soạn thảo, ký nhiều văn kiện quan trọng, cũng như cùng Bộ Chính trị đưa ra những quyết định sáng suốt từng bước đưa chiến cuộc Đông Xuân (1953 – 1954) đến thắng lợi.

Học sinh nghe thuyết minh tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ

Chăm chú nghe thuyết minh và tìm hiểu trong khu di tích

Ghi lại những hình ảnh chân thực nhất

Tiếp đó, đoàn còn ghé thăm làng chè Vĩnh Tân nơi hội tụ chuỗi những “đồi chè mâm xôi” đẹp mắt, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Thả mình vào đồi chè, tay nâng niu từng búp chè và lắng nghe câu chuyện từ khi ươm trồng đến khi thu hoạch cây chè theo tiêu chuẩn VietGap, học sinh càng thêm tin yêu vào một sản phẩm nông nghiệp sạch Việt Nam – sản phẩm triển vọng của Thái Nguyên trong bản đồ tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân,đặc. Đây là những kiến thức thú vị gắn liền với môn Địa lý và Giáo dục công dân.

Học sinh K53 CNN chụp ảnh tại đồi chè Vĩnh Tân

Tìm hiểu quy trình sao chè truyền thống

Những lá chè xanh mang lại nét thu hút riêng của nó

3. Cuối ngày, học sinh K53 CNN còn được tham gia vào đêm Gala sôi động cùng những tiết mục văn nghệ hấp dẫn và màn hỏi đáp kiến thức Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân vô cùng thú vị. Chương trình Gala có sự tham gia của thầy Nguyễn Phú Chiến – Hiệu trưởng Nhà trường, dù bận rộn nhưng đã thu xếp để từ Hà Nội đến với Tuyên Quang cổ vũ học trò K53. Dù đã trải qua một ngày dày đặc các hoạt động nhưng đến tối, các CNNers vẫn dồi dào năng lượng và nhiệt huyết khi tham gia chương trình, các tiết mục vô cùng xuất sắc và ấn tượng, những màn hỏi đáp về kiến thức liên môn cũng không làm khó những học trò CNN ham hiểu biết.

Toàn cảnh chương trình Gala

Học sinh sôi nổi trả lời những câu hỏi Rung chuông vào

Phần hỏi đáp cũng vô cùng thú vị

Tiết mục văn nghệ sôi động đến từ câu lạc bộ CDC

Kiwi – CRC

Golden hour – CMC

và các thầy cô giáo chủ nhiệm khoá K53 đã đốt cháy sân khấu

4. Ngày hôm sau, Đoàn dậy sớm để đến với điểm hẹn cuối cùng trong hành trình về với quê hương cách mạng. Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang – tiền thân là Bảo tàng tỉnh Hà Tuyên, được thành lập sau khi tách thành hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Đây không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày các di sản văn hoá mà còn là nơi thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học nhằm phản ánh quá trình phát triển về mọi mặt của tỉnh Tuyên Quang. Đoàn cũng chiêm ngưỡng sự hùng tráng của Quảng trường Nguyễn Tất Thành – một trong 11 công trình, dự án cảnh quan xuất sắc đạt “Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á” (ASIAN TOWNSCAPE AWARDS) năm 2022 .

Học sinh đứng trước Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang

Học sinh K53 chăm chú nghe hướng dẫn viên giới thiệu về các hiện vật trong bảo tàng

…chủ động tìm hiểu, ghi chép và chụp ảnh

Đến 13h00 cùng ngày, đoàn chính thức lên xe để quay trở về Hà Nội. Hai ngày trôi qua chóng vánh, cuộc hành trình học tập trải nghiệm thú vị cuối cùng cũng phải kết thúc. Các K53-CNNers trang bị được cho mình kiến thức cơ bản về địa lý, lịch sử và giáo dục công dân gắn với vùng đất Tuyên Quang-Thái Nguyên, cụ thể: vai trò của căn cứ địa Tân Trào trong Cách mạng tháng Tám (1945), vai trò của căn cứ địa Định Hóa trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) (Lịch sử), những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cây chè và vai trò của cây chè trong sự phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên (Địa lý), chính sách dân số và việc làm, chính sách văn hóa, chính sách tài nguyên và môi trường (Giáo dục công dân). 

Một lớp học sôi nổi thảo luận nội dung triển khai dự án học tập tại Tuyên Quang – Thái Nguyên trước ngày khởi hành

Thông qua nhiều hoạt động, điểm đến, học sinh không những học tập kiến thức mà còn bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, và xây dựng những kỹ năng cần thiết của công dân Việt Nam thời đại mới, viết tiếp lịch sử cha ông. Ngoài ra, chuyến đi còn là một dịp để học sinh xích lại gần nhau hơn, cùng nhau xây đắp một tập thể đoàn kết, vững mạnh, yêu thương và có tinh thần trách nhiệm.

Mỗi chuyến đi là một hành trình khám phá những điều thú vị. Hai ngày không quá dài, nhưng đủ để K53 biết thêm những kiến thức thú vị cùng chiến khu Việt Bắc – cái nôi kháng chiến, những tình cảm đẹp đẽ, sâu sắc cứ thế mà hình thành một cách tự nhiên.

Tạm biệt Tuyên Quang và Thái Nguyên, hẳn mỗi bạn sẽ được tiếp thêm động lực để noi gương những người chiến sĩ cách mạng, vượt qua những khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, mà trước hết là hoàn thành tốt sản phẩm dự án học tập liên môn của mình.

Tin bài: Bích Đào –  FLSS Media

Ảnh: Thầy và trò CNN

Một số hình ảnh khác của chuyến đi